Đời sống

Độc đáo làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch của người Thái

Thanh Phương 04/10/2023 08:49

Ở Lũng Niêm (Bá Thước, Thanh Hóa) cộng đồng người Thái đang cùng nhau phát triển nghề dệt thổ cẩm đã có có lịch sử hàng trăm năm. Cùng với các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, làng nghề đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nhất là với các du khách nước ngoài.

Sau những ngày mưa như trút nước, đầu tháng 10, nắng hửng lên, người dân Bá Thước đang tranh thủ thời gian ra đồng gặt lúa. Người dân tộc Thái ở Lũng Niêm cũng tranh thủ ra đồng thu hoạch. Một số thì tranh thủ cung bông, quay tơ, dệt thổ cẩm.

sanpham.jpg
Nhiều loại sản phẩm độc đáo chỉ có ở làng nghệ Lặn Ngoài

Theo lời Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm Bùi Văn Tùng, nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Đến nay, làng nghề đã trải qua 274 năm hình thành, phát triển và được UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận là Làng nghề truyền thống vào năm 2021.

phochutichqh.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà nghệ nhân dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài (năm 2022)

Toàn thôn có tới 83 hộ (trong tổng số 138 hộ) phát triển nghề dệt thổ cẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 215 lao động. Các loại sản phẩm bao gồm: vải thổ cẩm, khăn, mũ, quần áo, gối, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đệm ghế… Giá bán của các sản phẩm dao động trong khoảng từ 50.000đ đến 1.000.000đ/sản phẩm. Mỗi năm, lao động thu nhập trên 52 triệu đồng, đối với đồng bào dân tộc Thái đây là số tiền lớn.

nghedetthocam(1).jpg
Bà Lò Thị Dân luôn mong muốn được truyền nghề cho thế hệ trẻ để không mai một

Nói về quy trình làm ra các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, bà Lò Thị Dân cho hay: Để sản xuất ra được sản phẩm thổ cẩm phải qua rất nhiều khâu, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào sản xuất thủ công. Đầu tiên là trồng, chăm sóc và thu hoạch bông. Quả bông được tách ra, rồi dùng dụng cụ bật cho những sợi bông tơi và nhuyễn, thành dạng thô.

khacmuahang.jpg
Du khách đến xem, mặc đồ dân tộc để chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề

Bông bật xong được đưa vào dụng cụ cán để tạo sự liên kết giữa các sợi bông. Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Sợi bông được kéo xong, tiếp tục được đưa vào xa kéo sợi để xe bông thành chỉ. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn chỉ to.

Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây để lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ để làm màu đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu theo kinh nghiệm dân gian.

Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt.

bithuhung.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng thăm, động viên bà con người Thái năm 2022

Đến công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo, mang bản sắc dân tộc Thái ở huyện Bá Thước.

cungbongth.jpg
Cung bông là một trong những công đoạn kỳ công của nghề dệt thổ cẩm

Nghề dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của xã. Quan trọng nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và dần làm giàu. Từ đó ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ tạo ra nhiều việc làm, mà còn nâng cao đời sống cho người dân nơi đây, góp phần đưa xã Lũng Niêm đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2020.

khachtayth.jpg
Du khách nước ngoài thích thú khi được tham quan làng nghề

Nếu như ngày xưa những sản phẩm dệt thổ cẩm chỉ được tạo ra để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa, thì nay các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan, trải nghiệm với người dân.

Mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào... và bảo tồn nghề dệt truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

baybansp.jpg
Chính quyền địa phương đã và đang đầu tư để làng nghề phát triển bài bản, đa dạng sản phẩm kết hợp du lịch

Theo cán bộ địa phương, thôn Lặn Ngoài có vị trí trung tâm, nằm giữa 2 điểm du lịch của Pù Luông là khu vực Bản Đôn và Bản Hiêu, Son Bá Mười. Có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với phát du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung xây dựng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng, nhằm thu hút khách du lịch đến thăm, trải nghiệm và mua sản phẩn thổ cẩm. Nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân để thu hút lao động ở lại quê hương phát triển nghề dệt thổ cẩm, xây dựng làng nghề truyền thống ngày càng phát triển giữ được nét đẹp truyền thống mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Chợ Phố Đoàn còn được gọi là chợ Phố Đòn, vốn là một khu chợ có từ thời Pháp thuộc, tọa lạc ở xã Lũng Niêm. Du lịch Pù Luông đến với chợ Phố Đoàn, du khách không chỉ được mua sắm, mà còn được tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chợ Phố Đoàn là nơi giao thương các hoạt động mua bán của người dân các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũng Niêm, Thành Sơn... thuộc huyện Bá Thước.

Nét độc đáo của chợ phiên Phố Đoàn Bá Thước đó là, chỉ họp vào đúng 2 buổi sáng ngày thứ 5 và Chủ Nhật hàng tuần. Chợ phiên bắt đầu từ 6h sáng tới 10h trưa và thường kết thúc vào lúc 11h trưa. Chợ Phố Đoàn là nơi bày bán đủ các loại hàng hóa từ truyền thống tới hiện đại như: Rau rừng, thổ cẩm, quả cam, rượu cần, cua ốc, chuột rừng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo làng nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch của người Thái