Ngoại trưởng Hàn Quốc xem xét nới lỏng biện pháp trừng phạt Triều Tiên

Nhật Minh| 21/10/2021 06:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong cho rằng, có khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên để chấm dứt chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

chungeui-yong_jbit.jpg
Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Chung đã đưa ra tuyên bố trên trước Quốc hội vào ngày 20/10.

“Chúng ta cần khẩn trương thi hành biện pháp nào đó để Triều Tiên không tiếp tục phát triển tiềm năng tên lửa hạt nhân”, Yonhap dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Chung Eui-yong cho biết.

Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ, ông Chung Eui-yong nói rằng, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt “có thể được coi là đủ như một phần của những biện pháp như vậy”, nếu Triều Tiên tiến tới đối thoại.

Trước đó, Bình Nhưỡng nhiều lần kiên quyết yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ, áp đặt lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có nhiều thay đổi ngay cả sau những cuộc gặp trực tiếp của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Về chính sách của phía Mỹ, Ngoại trưởng Chung Eui-yong cho biết Washington “liên tục nói rõ rằng có thể thảo luận về bất kỳ vấn đề nào nếu như Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 20/10 đưa tin Viện hàn lâm Khoa học quốc phòng nước này đã thử nghiệm thành công một mẫu mới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Theo KCNA, SLBM kiểu mới được phóng từ cùng tàu ngầm "8.24 Yongung" đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ tàu ngầm đầu tiên cách đây 5 năm.

Tin khẳng định SLBM mới, với công nghệ dẫn đường hiện đại, sẽ đóng góp lớn vào việc đưa công nghệ quốc phòng của Triều Tiên lên tầm cao mới và củng cố năng lực hoạt động dưới nước của Hải quân.

Trước đó, hôm 19/10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa tầm ngắn được cho là SLBM từ khu vực lân cận Sinpo, nơi có xưởng đóng tàu ngầm chính của Bình Nhưỡng. Đây là vụ thử vũ khí thứ 8 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay.

trieutien-tenlua2.jpeg
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Cùng ngày 19/10, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim sẽ đến Seoul vào cuối tuần này để thảo luận với đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk về các biện pháp nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng. Theo một số nguồn tin, ông Sung Kim sẽ đến Seoul vào ngày 22/10 trong chuyến công du kéo dài 3 ngày.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam cho biết ông Sung Kim sẽ gặp ông Noh Kyu-duk vào ngày 23/10, trong đó hai bên dự kiến thảo luận các vấn đề còn tồn tại liên quan Bán đảo Triều Tiên, bao gồm đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Ngoài ra, các cuộc thảo luận có thể sẽ liên quan đến vụ phóng mới nhất của Triều Tiên cũng như ảnh hưởng của động thái này đối với tình hình an ninh khu vực.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) đã thông qua gần 10 nghị quyết, tất cả đều có sự đồng thuận của 15 quốc gia thành viên trong đó nhất trí lên án Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Sau nhiều năm, các biện pháp trừng phạt này mở rộng tới: Cấm buôn bán vũ khí và thiết bị quân sự, các công nghệ lưỡng dụng, phương tiện, máy móc công nghiệp và kim loại; Đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên; Cấm nhập khẩu vào Triều Tiên một số mặt hàng xa xỉ; Cấm Triều Tiên xuất khẩu thiết bị điện tử, than, khoáng sản, hải sản và thực phẩm và nông sản khác, gỗ, dệt may và đá; Giới hạn số lượng lao động xuất khẩu của Triều Tiên; Giới hạn số lượng dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên; Cấm nhập khẩu khí thiên nhiên; Giới hạn quyền đánh bắt cá.

11 lệnh cấm vận với Triều Tiên

Ngày 14/10/2005, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1718 lên án vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và áp đặt lệnh trừng phạt với nước này. Trong đó, có cấm vận vũ khí hạng nặng, công nghệ và vật liệu tên lửa cũng như một số mặt hàng xa xỉ nhất định.

Ngày 12/6/2009, UNSC ra Nghị quyết số 1874 tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng.

Ngày 22/1/2013, UNSC ra Nghị quyết số 2087 lên án việc phóng vệ tinh năm 2012 của Triều Tiên và các hoạt động phổ biến vũ khí của Triều Tiên.

Đến ngày 7/3/2013, UNSC thông qua Nghị quyết số 2094 áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 3.

Ngày 2/3/2016, UNSC tiếp tục phê chuẩn Nghị quyết số 2270 lên án vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và các hoạt động thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này trong năm 2015. Các biện pháp trừng phạt được tăng cường, trong đó có cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên.

Ngày 30/12/2016, UNSC thông qua Nghị quyết số 2321 mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này, trong đó có biện pháp trừng phạt đánh vào xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên như đồng, nickel,…

Ngày 5/8/2017, UNSC thông qua nghị quyết số 2371 tăng cường các biện pháp trừng phạt sau 2 vụ thử tên lửa liên lục địa của Triều Tiên trong tháng 7, trong đó có cấm xuất khẩu than và sắt.

Ngày 11/9/2017, UNSC đồng thuận thông qua Nghị quyết 2375 tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân lần thứ 6 đồng thời là vụ thử lớn nhất của nước này.

Ngày 22/12/2017, UNSC thông qua Nghị quyết 2397 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với hoạt động cấm nhập khẩu dầu mỏ, cũng như các mặt hàng kim loại, nông nghiệp và xuất khẩu lao động của Triều Tiên.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên nhằm hạn chế nhiều hoạt động kinh tế hơn và nhắm vào một danh sách các cá nhân và doanh nghiệp lớn hơn so với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Năm 2016, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thêm vào các sắc lệnh đã được các đời tổng thống Mỹ liên tục đưa ra.

Năm 2017, một bộ luật được Mỹ bổ sung là luật mang tên: Ứng phó với các kẻ thù của nước Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt - Countering America's Adversaries Through Sanctions Act (CAATSA) trong đó có áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngoại trưởng Hàn Quốc xem xét nới lỏng biện pháp trừng phạt Triều Tiên