Đây là chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Ngày 2/7, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí chủ trì, phát biểu quán triệt hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng. Cùng dự có thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; đại diện lãnh đạo Tòa án quân sự Trung ương; các đồng chí Trợ lý, Thư ký của Chánh án TANDTC, cùng các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng thuộc TANDTC.
Hội nghị được trực tuyến đến các điểm cầu: Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; TAND cấp tỉnh và TAND khu vực; Tòa án quân sự cấp quân khu và Tòa án quân sự khu vực; Văn phòng TANDTC tại khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC đã nêu các công việc trong công tác chuyên môn, tiến hành triển khai kế hoạch xét xử, không để diễn ra tình trạng quá hạn; báo cáo hàng ngày những việc đã làm; nắm bắt, rà soát hồ sơ, tránh để thất lạc; tiếp nhận hồ sơ ở các huyện chuyển đến; phân công, phân định rõ ràng về các chức danh để đảm bảo bộ máy vận hành liên thông…
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất; chủ động trong vấn đề sổ sách ghi chép; liên hệ với cấp có thẩm quyền về khắc con dấu; chủ động nắm bắt các tinh thần mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND; tổ chức thi hành án ở các Tòa khu vực…
Trả lời về một số khó khăn, vướng mắc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC cho biết, những vụ việc khó, phức tạp trước đây thuộc Tòa án tỉnh giải quyết, nay đã đưa về Tòa khu vực giải quyết. Do đó, cần có sự phân công cán bộ có kinh nghiệm cho phù hợp. Tăng cường, đẩy mạnh xét xử trực tuyến, tạo thuận lợi, giảm chi phí đi lại, thời gian và công sức cho người dân khi tham gia các phiên tòa, đồng thời giúp Tòa án giải quyết các vụ án nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phát biểu quán triệt tại hội nghị, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí nhấn mạnh, hoạt động của các Tòa án sau sáp nhập cần ưu tiên đảm bảo sự thông suốt trong vận hành bộ máy để phục vụ nhu cầu của xã hội, của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án và đảm bảo các chỉ tiêu công tác mà Quốc hội cũng như ngành Tòa án giao.
Cùng với đó, đối với công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TANDTC đề nghị các đồng chí Phó Chánh án TANDTC theo lĩnh vực được phân công vừa tham gia điều hành, vừa chỉ đạo các nhóm tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý đơn, đảm bảo xem xét, giải quyết đúng quy định…
Ngoài ra, để giúp TAND các cấp xử lý những phát sinh như khó khăn về trụ sở làm việc, chế độ chính sách, thiếu cán bộ, giải quyết một số vụ án hành chính khi cấp huyện không còn…Chánh án Lê Minh Trí yêu cầu các đơn vị trực thuộc TANDTC khẩn trương có hướng dẫn, hỗ trợ, đảm bảo sớm nhất và không được để tắc ở khâu nào.
Quán triệt đối với các Tòa Phúc thẩm TANDTC, TAND tỉnh, TAND khu vực, Chánh án lưu ý, cần đồng bộ, đồng loạt, phối hợp công việc từ trên xuống dưới. Đặc biệt cần ưu tiên cho cấp Tòa khu vực, bởi trong mô hình tổ chức hiện nay, cấp khu vực mang nhiệm vụ nặng nề nhất, cần phải tăng cường nhân lực, hoàn thiện tổ chức đảng cho cấp này.
Theo Chánh án Lê Minh Trí, nêu cao trách nhiệm và phát huy vai trò của người đứng đầu, cần phải chủ động giải quyết những vướng mắc, không được để ách tắc; giải quyết dứt điểm vụ án, vụ việc, tránh ảnh hưởng đến tiến độ công việc; Cần có sự chuyển tiếp, kế thừa, đảm bảo bộ máy không bị xáo trộn; tăng cường xét xử trực tuyến, có lộ trình phù hợp; chủ động trong chức trách của mình...
Chánh án Lê Minh Trí yêu cầu, cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công việc của ngành Tòa án, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao hiện nay – đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề của ngành. “Làm sao để qua việc sắp xếp này cho thấy hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, được dân tin hơn... Cùng làm, cùng chịu trách nhiệm, chúng ta phải coi 3 tháng còn lại của năm công tác 2025 là một áp lực phải vượt qua, giống như 3 tháng trước chúng ta thực hiện kiện toàn bộ máy”- Chánh án nêu rõ.
“Với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, trên làm trước, chủ động lắng nghe và tháo gỡ, ở dưới cùng đồng hành, cùng triển khai, làm sao đảm bảo sự thông suốt vận hành bộ máy phục vụ nhu cầu của xã hội, phục vụ các chủ thể có liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án”, Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh.