Ngày 10/4, Nghị viện EU đã thông qua một cuộc cải cách gây tranh cãi về chính sách tị nạn của châu Âu nhằm thắt chặt các thủ tục biên giới và buộc tất cả 27 quốc gia trong khối phải chia sẻ trách nhiệm.
Các nhóm chính trị chính của Nghị viện đã vượt qua sự phản đối của các đảng cực hữu và cực tả để thông qua hiệp ước tị nạn và di cư mới - một cuộc cải cách sâu rộng đã được thực hiện gần một thập kỷ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi các quy định mới này là "bước đi lịch sử, không thể thiếu" đối với Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Di trú của Hy Lạp, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi số lượng người di cư không có giấy tờ ngày càng tăng, cũng bày tỏ ủng hộ quy định này. Bộ trưởng Di trú Dimitris Kairidis viết trên X (Twitter): “Đây là một bước đột phá quan trọng hướng tới một giải pháp chung và do đó hiệu quả hơn trong việc quản lý các thách thức di cư trong thời đại chúng ta”.
Người đứng đầu EU Ursula von der Leyen cho biết, việc áp dụng cải cách này là một "thành tựu to lớn đối với châu Âu". Chủ tịch Ủy ban châu Âu phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Nghị viện châu Âu thông qua cải cách: “Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử”.
Ủy viên nội vụ EU Ylva Johansson cho biết, khối "sẽ có thể bảo vệ tốt hơn biên giới bên ngoài của chúng ta, những người dễ bị tổn thương và người tị nạn, nhanh chóng trao trả những người không đủ điều kiện ở lại" và đưa ra "sự đoàn kết bắt buộc" giữa các quốc gia thành viên.
Mười điều luật trong cuộc đại tu đã được thông qua.
Bên ngoài tòa nhà Nghị viện ở Brussels, hàng chục người biểu tình phản đối cuộc bỏ phiếu - vốn nhận sự chỉ trích từ hơn 160 tổ chức từ thiện dành cho người nhập cư và các tổ chức phi chính phủ coi đây là sự "phản bội" các giá trị của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã tán thành cải cách do Ủy ban châu Âu đưa ra kể từ khi dòng người di cư ồ ạt đổ vào khối này vào năm 2015.