Chuyển động

EU, Ai Cập nhất trí thỏa thuận trị giá 7,4 tỷ euro tập trung vào năng lượng, di cư

Hồng Anh 17/03/2024 - 22:08

Người đứng đầu EU và 5 nhà lãnh đạo châu Âu đã đến thăm Ai Cập vào Chủ nhật để công bố gói tài chính trị giá 7,4 tỷ euro, tập trung vào việc thúc đẩy thương mại năng lượng và ngăn chặn dòng người di cư bất thường vào khối 27 thành viên này.

Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu cho biết, thỏa thuận này sẽ bao gồm khoản tín dụng hàng tỷ USD trong những năm tới dành cho Ai Cập và đẩy mạnh việc bán năng lượng có thể giúp châu Âu "xa rời khí đốt của Nga".

eu-ai-cap.png
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại thủ đô Cairo. (Ảnh: AFP)

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen - cùng với các nhà lãnh đạo Áo, Bỉ, Síp, Hy Lạp và Ý - đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trước lễ ký kết.

Thỏa thuận Đối tác Chiến lược và Toàn diện bao gồm các khoản vay 5 tỷ euro trong 4 năm, 1,8 tỷ euro đầu tư và hàng trăm triệu euro cho các dự án song phương, bao gồm cả vấn đề di cư.

Ai Cập, quốc gia đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, giáp với Libya bị chiến tranh tàn phá và nằm giữa hai cuộc xung đột đang diễn ra - cuộc chiến Israel-Hamas ở Dải Gaza và cuộc chiến của Sudan giữa lực lượng vũ trang chính quy và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự.

Quan chức Ủy ban cho biết: “Ai Cập là một quốc gia quan trọng đối với châu Âu ngày nay và trong những ngày tới”, đồng thời chỉ ra “vị trí quan trọng của Ai Cập trong một khu vực rất khó khăn, giáp với Libya, Sudan và Dải Gaza”.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc, Ai Cập đã tiếp đón khoảng 9 triệu người di cư và tị nạn, trong đó có 4 triệu người Sudan và 1,5 triệu người Syria.

Quan chức EU cho biết thỏa thuận này bao gồm các bước hợp tác về "an ninh, chống khủng bố và bảo vệ biên giới, đặc biệt là biên giới phía Nam" với Sudan.

Thỏa thuận này tuân theo một số thỏa thuận gây tranh cãi mà EU đã ký kết ở Bắc Phi - với Libya, Tunisia và Mauritania - nhằm ngăn chặn dòng người di cư trái phép qua Biển Địa Trung Hải.

Cơ quan biên giới Frontex của EU năm ngoái đã ghi nhận gần 158.000 người di cư đến châu Âu qua tuyến đường biển nguy hiểm, tăng 50% so với năm trước.

Xu hướng này đã làm dấy lên làn sóng chống người nhập cư ngày càng gia tăng ở châu Âu trong khi các nhóm nhân quyền đã lên án mạnh mẽ các thỏa thuận.

Ai Cập nhấn mạnh rằng các tàu di cư đã không rời khỏi bờ biển nước này trong những năm gần đây. Thế nhưng, người Ai Cập vẫn đến châu Âu bằng đường biển, chủ yếu qua Libya hoặc Tunisia để đến Ý.

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, đang rất cần sự trợ giúp tài chính khi nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng được đánh dấu bằng lạm phát nhanh chóng. Nền kinh tế Ai Cập đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt cú sốc kinh tế gần đây.

Trong số đó có tác động của đại dịch Covid đối với lĩnh vực du lịch, giá nhập khẩu thực phẩm tăng cao trong bối xung đột Nga - Ukraine và các cuộc tấn công của phiến quân Huthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ đã làm giảm doanh thu của Kênh đào Suez.

Nợ nước ngoài của Ai Cập đã tăng vọt lên gần 165 tỷ USD và chi phí trả nợ dự kiến ​​sẽ lên tới 42 tỷ USD trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tháng này đã đồng ý gói cho vay trị giá 8 tỷ USD sau khi Cairo thực hiện các cải cách bao gồm tỷ giá hối đoái linh hoạt và tăng lãi suất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU, Ai Cập nhất trí thỏa thuận trị giá 7,4 tỷ euro tập trung vào năng lượng, di cư