Phóng sự - Ghi chép

Nghề “săn” mật giữa rừng sâu

T.Thành 24/09/2023 - 13:09

Từ hàng trăm năm trước, trên hành trình đi khai hoang mở đất, những di dân đã phát hiện cứ mỗi độ hoa tràm trong rừng U Minh nở là từng đàn ong kéo nhau về xây tổ và tích mật. Cũng từ đó, nghề gác kèo ong ra đời và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Gác kèo cũng lắm công phu

Mỗi khi nhắc đến rừng U Minh (U Minh Thượng và U Minh Hạ, trong đó U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, còn U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau), người ta thường nghĩ đến câu “Muỗi kêu như sáo thổi/Đỉa lội tựa bánh canh”. Câu ví đó cũng phản ánh lên một sự thật, U Minh ít nhiều vẫn giữ được sự hoang sơ vốn có, chưa chịu nhiều sự tác động của con người như muôn vàn trảng rừng khác trên cả nước.

anh-bai-nghe-san-mat-giua-rung-sau-1.jpg
“Ăn ong” cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật

Và trên thực tế, với hàng ngàn ha tràm, móp, trảng năn, sậy..., cùng nhiều loài thực vật hết sức phong phú và đa dạng, cánh rừng nguyên sinh này được xem là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc nhất của Việt Nam.

Không chỉ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, cân bằng môi trường sinh thái cho cả vùng cực Nam của Tổ quốc, U Minh còn là nơi cung cấp rất nhiều sản vật quý giá cho con người. Một trong số đó là mật ong rừng.

Hàng năm, cứ mỗi độ hoa tràm nở rộ, từng đàn ong lại kéo nhau về U Minh làm tổ. Sau nhiều tháng năm quan sát, những cư dân ở đây phát hiện ra loài động vật hút mật này chỉ “định cư” trên những thân cây đổ nghiêng như cái kèo trên nóc nhà. Khi đã biết được tập tính này, họ bắt đầu nghiên cứu rồi nghĩ ra cách “xây nhà” cho ong và nghề gác kèo ong ra đời từ đó.

Nói một cách khác, nghề gác kèo ong thực chất là một hình thức mô tả quá trình dựng nhà để mồi chài, dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để chúng đến sinh sống. Thông thường thì người ta sẽ lấy một đoạn cây (còn được gọi là kèo ong), tạo thế cho ong xây tổ, làm mật. Kèo được làm từ một đoạn tràm dài khoảng 2m, chẻ đôi bóc sạch vỏ, đục lỗ ở hai đầu để dễ dàng gác lên hai khúc cây cặm nghiêng.

Tuy nói đơn giản là vậy song chế tạo và đặt kèo là một việc hết sức kỳ công, bởi chỉ cần sơ sẩy, ong sẽ không về làm tổ, mọi công sức sẽ “đổ xuống sông xuống biển”. Theo kinh nghiệm của một số thợ ong thì khi gác kèo nhất định phải biết nhìn và chọn hướng gió. Sau đó dọn dẹp khu vực xung quanh để hứng ánh sáng...

“Gác kèo ong cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết. Thông thường quy trình gác kèo ong được thực hiện qua nhiều bước như: Chuẩn bị kèo; chọn điểm gác kèo; gác kèo; kiểm tra kèo; khai thác mật ong; vắt và bảo quản mật ong. Tất cả các bước đều thực hiện rất công phu và đều có “bí quyết” để sao cho ong cho mật nhiều, ngon, ông Trần Văn Nhì, một thợ gác kèo ong lâu năm ở U Minh Hạ (Cà Mau) chia sẻ.

Cũng theo ông Nhì thì nơi tốt nhất để gác kèo là nơi cây tràm thấp có nhiều bông và là những trảng trống, có ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo. Kèo được gác theo hình mái nhà. Thời gian gác kèo tốt nhất là từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng vì thời điểm này sẽ xác định đúng hướng mặt trời mọc. Thời gian ong làm tổ từ khoảng 20 đến 30 ngày nhưng cũng có khi buổi sáng gác, chiều đã có ong đóng tổ. Khi tổ ong đủ mật, người ta sẽ bắt đầu đi “ăn ong”.

anh-bai-nghe-san-mat-giua-rung-sau-2(1).jpg
Ông Trần Văn Nhì: “Nghề gác kèo ong là thu nhập chính của nhiều gia đình”

“Ăn ong” thu tiền triệu

Cũng giống như thuật ngữ “gác kèo”, nguồn gốc cái tên “ăn ong” cũng xuất phát từ thực tế. Đó là do khi lấy mật ở tổ ong, người thợ thường ăn và thưởng thức ngay một phần mật và tàng ong non như một cách tự thưởng cho mình. Theo họ thì việc ăn ngay trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về nhà. Đồng thời, đây cũng là cách để người thợ thẩm định chất lượng của mật. Việc “ăn ong” tốt nhất là vào sáng sớm (5 đến 8 giờ), vì khi đó trời còn ít gió, sương đêm còn đọng nên cây, lá rất khó bắt lửa, giảm thiểu rủi ro cháy rừng.

“Để lấy mật, người thợ phải mang theo bình phun khói hoặc đuốc con cúi bằng xơ dừa, quần dài, áo dài tay, lưới trùm đầu, bao tay, dao (bằng inox hoặc tre), thau, thùng chứa mật... Họ đi đến tổ ong, thổi khói từ phía trên gió cho ong bay đi, dùng dao cắt phần mật, tách phần mật ra khỏi phần tàng, rồi cắt bớt phần tàng có màu đen, chỉ chừa lại một phần tàng thường khoảng 1/3 tổ để ong làm tổ mới”, ông Nhì cho biết.

Vì tập quán của con ong là khi lớn lên sẽ tách đàn làm tổ ong mới tiếp tục cho mật. Các thao tác trên được tiến hành nhanh gọn trong khoảng 2 đến 3 phút. Một tổ ong nếu biết cách lấy mật sẽ lấy được 3 đến 4 lần, nếu không biết cách chỉ lấy một lần là ong bỏ đi. Mỗi tổ ong trung bình cho khoảng 3-5 lít mật, có tổ cho đến 10 lít. Vào mùa khô mật ong nhiều và chất lượng tốt hơn mùa mưa, vì mùa mưa ong sinh con ít làm mật và lượng nước trong mật nhiều.

“Trong quá trình “ăn ong”, khi bị ong đánh (đốt, chích) phải chạy ngược hướng gió. Việc bị ong đốt là chuyện thường xảy ra, có lúc gặp rắn độc, heo rừng thì tùy trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Vì thế, mỗi nhóm ăn ong thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ nhau. Sau khi cắt lấy tàng ong ra khỏi tổ thì vắt hoặc ép lấy mật.

Mật ong được trữ trong các bình bằng thủy tinh màu tối là tốt nhất, để nơi thoáng mát tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Không nên lược hoặc vớt hết phần sáp ong nổi trên mặt vì như vậy mật ong sẽ dễ bị chua.

Mật ong thu hoạch vào mùa khô có thể để được 3 năm, mùa mưa thì thời gian để ngắn hơn, để lâu bị bọt vì lượng nước trong mật nhiều… Trung bình mỗi lít mật có giá khoảng 500-600 ngàn, có những gia đình thu hàng trăm triệu mỗi năm từ tiền bán mật”, ông Nhì chia sẻ.

Theo ông Nhì thì thời điểm thích hợp nhất để “ăn ong” là khi thấy tổ ong bít kín không còn lỗ nào thì có thể bắt đầu lấy mật. Những kèo không có ong thì kiểm tra lại trảng, ánh sáng, hướng gió,... để điều chỉnh cho hợp lý. Thông thường một gác kèo ong tự nhiên cho thu hoạch mật 6 lần trong năm, từ 3 - 4 lần trong mùa khô (mùa hạn), từ 2 - 3 lần trong mùa mưa (mùa nước).

anh-bai-nghe-san-mat-giua-rung-sau-3.jpg
Một góc U Minh Hạ

Vinh danh Di sản

Cho đến tận bây giờ, ngay cả những người già sống quanh khu vực rừng U Minh Hạ (thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh của tỉnh Cà Mau) hay những thợ lành nghề như ông Trần Văn Nhì cũng không nhớ nghề gác kèo ong có tự bao giờ. Họ chỉ biết từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy cha ông mình luồn rừng, lội lạch để gác kèo. Cũng có người cho rằng nghề này có từ cuối thế kỷ thứ XIX, khi vùng đất này đón những di dân đầu tiên đến đây khai hoang, mở đất.

Theo thời gian, mật ong rừng U Minh Hạ dần trở thành đặc sản nổi tiếng của đất Cà Mau bởi chất lượng, màu sắc và mùi vị hết sức riêng biệt mà khó nơi nào sánh được. Theo kinh nghiệm của những thợ “ăn ong” lâu năm, chỉ có loài ong hút mật hoa tràm trắng vàng mới có thể cho loại mật màu vàng trong vắt với mùi hương dịu nhẹ và vị ngọt tinh khiết như mật ong rừng U Minh Hạ. Vì vậy, mật ong ở đây được đa số người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Không chỉ cho mật, các kèo ong ở U Minh Hạ còn cho các sản phẩm khác như sáp ong dùng để làm đèn cầy, ong non dùng chế biến các món ăn: tàng ong non chấm mật, gỏi ong non, tàng ong non lăn bột chiên,…

Hiện nay, những người thợ gác kèo ong được tỉnh Cà Mau tổ chức thành các Hợp tác xã. Với hình thức này, việc bảo tồn và phát triển nghề gác kèo ong sẽ dễ dàng và hơn nữa mỗi một xã viên sẽ có trách nhiệm trong việc giữ rừng. Xưa kia, khi rừng U Minh Hạ còn rộng lớn, trữ lượng mật ong rất nhiều, hàng năm có thể thu hoạch hàng nghìn tấn mật. Tuy nhiên hiện nay, diện tích rừng U Minh Hạ ngày càng thu hẹp nên sản lượng mật ong cũng theo đó giảm xuống rất nhiều...

Có thể nói, gác kèo ong là nghề đặc trưng của rừng U Minh, thể hiện rõ nét nhất những dấu ấn của các bậc tiền nhân. Họ đã để lại cho đời một nghề nghiệp hết sức độc đáo, để lại cho con cháu một sản phẩm tinh thần đặc sắc. Đó là những kinh nghiệm, tri thức quý báu được tích lũy từ cuộc sống hàng ngày, thể hiện tính sáng tạo và thích nghi với môi trường trong quá trình khai hoang mở cõi.

Nghề săn mật ngọt giữa rừng sâu này không chỉ có giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập nuôi sống bao gia đình bao thế hệ mà còn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, có sức sống bền bỉ, gắn chặt với rừng tràm đã tồn tại hàng trăm năm qua. Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ du khách.

Với nhiều giá trị tiêu biểu như thế nên vào ngày 20/12/2019, nghề gác kèo ong được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL. Hy vọng rằng, với niềm vui ấy, người dân Cà Mau nói riêng và người dân sống quanh khu vực rừng U Minh nói chung sẽ càng thêm gắn bó với nghề hơn. Bởi đây không chỉ là một nghề truyền thống lâu đời mà còn là nguồn dinh dưỡng quý báu đã và đang nuôi sống nhiều thế hệ người dân gắn bó với vùng đất nằm tận cùng Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề “săn” mật giữa rừng sâu