Phóng sự - Ghi chép

Tự hào một dải non sông

T.Thành 30/04/2025 - 20:25

Khi đi dọc biên giới đất liền, từ Trà Cổ cho đến Mũi Nai, vượt vạn suối nghìn non, vượt trăm thung lũng, triệu cánh đồng, mảnh ruộng, tôi mới nhận ra rằng, đất Việt mến yêu của ta, hành lang giới hạn không sinh tồn của dân tộc Việt Nam ta sẽ mãi như trường thành vững chãi, được dựng lên bởi ý Đảng, lòng dân và tâm sức của hàng triệu con người.

Mỗi lần nghe biển Sa Vĩ thì thầm, nghe sóng Giang Thành thủ thỉ hay nghe Thành cổ kể chuyện cha ông chinh chiến, tôi càng nhớ tích xưa “âu vàng ngàn thuở lễ non sông”, càng thêm trân trọng, kính ngưỡng, thêm gắn bó với cương thổ ngàn năm.

anh-bai-tu-hao-mot-dai-non-song-2.jpg
Sa Vĩ - Vùng đất địa đầu Tổ quốc.

“Khiên trấn thép” nơi Đông Bắc

Quảng Ninh là một tỉnh biên giới trọng điểm, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất đó là nơi những hành dinh đầu tiên của nhà Lý được xây dựng để thực thi sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ vùng cửa ngõ phương Bắc quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt. Và tiếp nối các triều đại sau cũng luôn chú mục bảo vệ, giữ gìn.

Nơi đây cũng chứng kiến bao chiến thắng lẫy lừng như: Thái úy Lý Thường Kiệt đại thắng Châu Khâm, Châu Liêm (Quảng Tây); các đức tiên hiền Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đại thắng nơi cửa biển Bạch Đằng Giang huyền thoại; người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản đã mưu trí phục binh nhấn chìm bao chiến thuyền của quân Nguyên Mông xâm lược ở biển Mũi Ngọc, Vạn Ninh và tướng quân Nguyễn Hữu Cầu, hay còn gọi là Quận He đã kiêu dũng dám chống lại cường quyền, có công xây dựng và trấn giữ vùng đất biên cương đầu sóng, ngọn gió từ Trà Cổ tới Vân Đồn, Đồ Sơn, Thanh Hóa...

Ở vùng biên cương Đông Bắc này đến giờ vẫn lưu truyền câu chuyện “giữ đất” của cha ông từ hàng trăm năm trước. Tương truyền, từ xa xưa, có một vị vua hiền đã ban chiếu đặt một hòn đá có khắc niên hiệu đặt lên đỉnh Cao Ba Lãnh (Bình Liêu). Chiếu dụ viết rằng, hòn đá được phải được đặt trên đỉnh núi cao nhất để đánh dấu bờ cõi nước Nam bắt đầu từ đó.

Lệnh triều đình về đến Châu, rồi xuống các Lộ để quan binh theo đó mà cắt cử các suất đinh mang hòn đá lên đỉnh núi. Đã có bao người đi rồi nằm lại nơi sơn lam chướng khí, nhưng hòn đá đã được đặt trên đỉnh cao 1500m so với mặt nước biển hàng trăm năm có lẻ. Dân đi rừng săn con thú, tìm cây thuốc trên núi căn cứ vào tảng đá để không phạm sang đất ngoại bang. Thế mới thấy, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào.

Nhiều người già ở Bình Liêu cũng kể lại rằng, đã có không biết bao nhiêu lính biên phòng và thanh niên trai tráng người dân tộc đã đổ máu khi làm nhiệm vụ giữ gìn hòn đá thiêng này. Mỗi khi chủ quyền Tổ quốc bị xâm phạm, tất tật thanh niên trai tráng, ông già bà cả đều bám bản, ở lại làm dân công tình nguyện khuân vác, vận chuyển vũ khí lên điểm cao cho bộ đội.

Cách đó không xa, là đàn đá thần thiêng liêng của đồng bào Dao nơi đây. Theo quy ước của bà con trước đây, khi phát hiện những biểu hiện bất thường, người phụ trách việc canh phòng sẽ gõ vào đàn đá để tạo nên những tiếng kêu ngân nga vang trong gió, truyền tin cho dân bản biết để chuẩn bị chống trả kẻ thù.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất về sức mạnh của nhân dân cũng như sự trường tồn và lớn mạnh của Tổ quốc, đúng như bốn chữ đại tự trên bức hoành phi treo tại đình Trà Cổ: “Nam Sơn Tịnh Thọ” - có nghĩa là “Nước Nam đời đời bền vững, trường tồn cùng trời đất”.

Đất lửa anh hùng

Nhắc đến Quảng Trị, là nhắc đến vùng đất lửa, nơi trận tiền hứng chịu biết bao gươm đao, máu lửa và bom đạn qua các thời kỳ. Cảo thơm lần dở, ngược về quá khứ, để thấy những gian lao mà nhân dân Quảng Trị qua bao thế hệ đã phải trải qua, khi quê hương của họ từ thời đại Hùng Vương cho tới đến năm 1972 đều được coi là “trọng trấn”, là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc. “Quảng Trị anh hùng - Quảng Trị kiên trung - Quảng Trị thành đồng ...”, có biết bao lời tôn vinh và tri ân những hy sinh không gì đong đếm được của vùng đất, con người nơi ấy.

Hàng ngàn năm trước, vùng đất này thuộc sự quản chế của Nhà nước Văn Lang, nằm trong bộ Việt Thường. Đến thời Bắc thuộc, bộ Việt Thường được phân tách theo quận Nhật Nam. Khi chính quyền Bắc thuộc suy yếu, vương quốc Chăm Pa trở nên hùng mạnh, đã đem quân đánh chiếm vùng đất Việt Thường và đặt chính quyền cai trị, vùng đất Quảng Trị ngày nay trở thành biên địa phía Bắc, có tên gọi là châu Ô. Năm 1306, vua Chế Mân dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân, cống nạp châu Ô và châu Rí làm sính lễ. Vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Quảng Trị chính là miền đất “ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ”, là trọng điểm ác liệt của các trận giao tranh chống kẻ thù xâm lược. Cùng với cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Quảng Trị đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Quảng Trị vượt qua mọi khó khăn, giữ vững ý chí, nêu cao khí phách kiên cường, kề vai sát cánh cùng quân dân cả nước anh dũng chiến đấu, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo trên các mặt trận, chủ động tiến công địch, phối hợp với các chiến trường, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã chia cắt nước ta thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải hiền hòa của Quảng Trị làm ranh giới tạm thời. Cuộc phân ly ấy tưởng chừng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi Tổng tuyển cử. Nhưng với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự để tiến đánh miền Bắc XHCN.

Với một hệ thống đồn bốt dày đặc, cùng với căn cứ, sân bay, hải cảng quân sự và hệ thống hàng rào điện tử Mc.Namara hiện đại, Mỹ đã triển khai mọi kiểu chiến tranh. Nhiều vùng quê Quảng Trị trở thành “vành đai trắng” vì bom cày, đạn xới, dây kẽm gai, chất độc da cam.

Nhưng với khát vọng độc lập, tự do, khát vọng thống nhất non sông càng thổi bùng lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân Quảng Trị để rồi lập nên nhiều chiến công hiển hách, nhất là “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Trong 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường để bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Máu xương của các anh đã mãi nằm lại nơi mảnh đất anh hùng này và hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng.

Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị đã tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh và đấu tranh ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, góp phần tạo tiền đề để quân và dân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Sau khi đất nước thống nhất, từ hoang tàn, đổ nát, phẩm chất, cốt cách của con người Quảng Trị tiếp tục được khơi dậy, phát huy để bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Dù trong ngôi nhà chung Bình-Trị-Thiên hay khi trở về với tên gọi thân thương của mình, quân và dân Quảng Trị luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, cần cù và sáng tạo để tái thiết, dựng xây quê hương.

anh-bai-tu-hao-mot-dai-non-song-5.jpg
Tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang.

Vùng biên nơi cuối trời Tổ quốc
Kiên Giang, vùng biên nơi cuối trời Tổ quốc ấy có đa phần diện tích gồm những phần đất thuộc trấn Hà Tiên cũ và Rạch Giá. Theo các nhà nghiên cứu, thì địa danh Rạch Giá xuất hiện vào cuối thế kỷ 16 với tên gọi ban đầu là Rạch Cây Giá. Nguyên do là bởi những lưu dân ở vùng Ngũ Quảng trong hành trình thiên di, khai khẩn đất hoang khi đặt chân đến đây thấy có 2 con rạch ăn thông với nhau, chạy song song rồi uốn dòng ôm lấy một cù lao mọc đầy cây giá (loài cây dùng họ với cây mắm, đước) rồi trổ ra vịnh biển.

Cù lao Giá xưa chính là trung tâm thành phố Rạch Giá hiện nay. Còn 2 con rạch mở luồng rộng, sau có tên là sông Kiên và Rạch Kinh Nhánh. Và Kiên Giang chính là cái tên khởi nguồn từ dòng sông hóa thành tên đất thân thương.

Đầu thế kỷ 19, vào năm Gia Long thứ 7, vùng đất này được đổi tên thành huyện Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Tới năm 1967, đổi tên thành hạt Kiên Giang nhập về tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và sáp nhập với tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Qua nhiều lần tách, nhập, hiện nay, Kiên Giang có 15 huyện, thành phố, trong đó có 1 huyện, 2 thành phố giáp biên giới với nước bạn Campuchia là huyện Giang Thành, thành phố Hà Tiên và Phú Quốc...

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân Kiên Giang kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Vùng đất biên giới cuối trời Tổ quốc này gắn liền với chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với “Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”; có Hòn Đất bất khuất, kiên trung nổi danh con người hào kiệt...

Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Kiên Giang đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Giờ có đi ngang sông Giang Thành, chạm biển Hà Tiên, rồi nghe gió chướng hây hẩy xanh trên những cánh đồng mướt mát phù sa châu thổ và những vuông tôm, đầm cá kề nhau loang loáng mới thấy được tầm nhìn của cha ông mấy trăm năm trước.

Và chỉ cần được tận mắt ngắm tượng đài tôn vinh Thanh niên xung phong tuyến đường 1C huyền thoại lồng bóng trời trong, người ta sẽ không thôi cảm khái về bản lĩnh người dân nơi chín nhánh sông thiêng. Và càng cảm phục họ, bằng sức người “nghiêng đồng đổ nước” đã tạo lên diện mạo mới, sức sống mới cho vùng đất cuối trời Nam này sau khói lửa chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào một dải non sông