Hai cha con đánh thương binh sau va quệt xe ở Chương Mỹ, Hà Nội vừa bị khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích". Đây là vụ việc được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua.
Tôi cũng cho rằng những hành vi trái với pháp luật cần được xử lý nghiêm khắc không chỉ vì người bị đánh là một thương binh hay một ông già. Cũng hoàn toàn không phải do sức ép của dư luận mà bởi mọi quyết định đều phải thượng tôn pháp luật.
Việc nhóm người hành hung một thương binh giữa đường là việc không thể chấp nhận được. Chúng ta đã nói đến quá nhiều những hành vi mang tính bạo lực thời gian qua. Nó xuất phát từ những mâu thuẫn trong đời sống xã hội hàng ngày và được giải quyết bằng những cú đấm, cái đá. Những hành vi ấy phải được điều chỉnh bằng pháp luật, bằng tôn nghiêm của một đất nước pháp quyền.
Như nhiều tờ báo đã thông tin trước đó, vào khoảng 17 giờ 30 ngày 25/1, tại khu vực thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, ông Hoàng Tiến Vin (62 tuổi, là thương binh) điều khiển xe ba gác đã va chạm với một chiếc ô tô gây móp, trầy xước vết dài trên hông xe, làm rơi kính chiếu hậu, và vỡ kính chắn gió.
Sau khi xảy ra va chạm, ông Vin không dừng lại mà tăng ga bỏ chạy khiến người trên xe ô tô hô hoán đồng thời cùng nhiều người đi đường đuổi theo bắt, đánh ông Vin.
Vụ thương binh bị hành hung sau khi xảy ra va chạm giao thông
Sau nhiều ngày điều tra, qua kết quả giám định thương tích của ông Vin, Công an huyện Chương Mỹ đã có đủ chứng cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 cha con ông Nguyễn Bá Nhu (51 tuổi) và Nguyễn Bá Tài (25 tuổi) đều trú tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về tội "Cố ý gây thương tích".
Theo hồ sơ từ cơ quan Công an thì ông Hoàng Tiến Vin nhập ngũ năm 1972 đến tháng 5/1974 thì bị thương trong một trận chiến ở Quảng Nam và chân phải bị cụt tới quá đầu gối. Ông Vin đang hưởng chế độ thương binh hạng 2/4 với tổn hại sức khỏe là 61%.
Tôi không nhắc lại hay bình luận gì thêm về việc khởi tố hai cha con ông Nhu mà chỉ tiếc rằng sự việc đáng lẽ ra không đi xa đến vậy.
Ông Vin là một thương binh, người trở về từ bom đạn với một phần thân thể phải bỏ lại chiến trường. Đất nước ghi nhận công lao của những người lính như ông, người dân cũng luôn ghi nhớ và trân trọng những mất mát ấy. Minh chứng cho điều đó là khi biết ông bị hành hung dư luận hết sức phẫn nộ. Họ đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ ông đồng thời đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc. Tuy nhiên, trong việc này cá nhân tôi vẫn có điều không hài lòng. Bởi nếu ông Vin dừng lại giải quyết vụ việc thì cái kết của câu chuyện có thể đã khác.
Những người như ông phải là tấm gương sáng để lớp trẻ ngày nay soi chiếu, học tập nhưng rất tiếc...Một thời xông pha bom đạn ông không nao núng vậy tại sao lại bỏ chạy khi va chạm giao thông? Đó không phải là khí chất của một người lính từng vào sinh ra tử.
Cuối năm 2016, tại Hải Phòng, có 2 câu chuyện đã "gây sốt" mạng xã hội. Chuyện về một nam sinh lớp 11 sau khi va vào chiếc ô tô làm vỡ gương chiếu hậu đã ghi lại mảnh giấy với lời xin lỗi cùng số điện thoại liên lạc mong muốn được đền chiếc gương xe.
Sau đó không lâu, một cậu học sinh lớp 2 đi xe đạp cũng tông vào xe taxi đỗ bên đường. Cậu bé đã đứng chờ cho đến khi tài xế taxi hạ gương xuống để khoanh tay nói lời xin lỗi. Cả hai câu chuyện đều chung một cái kết có hậu.
Vì sao hai câu chuyện rất nhỏ trên lại làm mạng xã hội xôn xao? Bởi cậu bé ấy đã làm những việc mà người lớn không làm được, bởi trong xã hội xô bồ những câu chuyện như thế ngày một ít đi.
Ngày ngày đọc báo chúng ta vẫn bắt gặp những dòng tin tức về một vụ án mạng, một vụ truy sát, những cú đấm, những cái tát, những câu chửi thề...xuất phát từ va chạm giao thông. Nó cho thấy văn hóa ứng xử đang thụt lùi thay vào đó là những hành vi phản cảm đậm chất bạo lực, hung hãn.
Tôi luôn tâm niệm rằng, chúng ta cho đi như thế nào thì nhận lại như vậy theo thuyết nhân quả của nhà Phật. Bởi thế, sau khi vụ việc của người thương binh già xảy ra tôi cứ thấy đáng tiếc, giá như hôm ấy ông Vin dừng lại...