Lương tâm và trách nhiệm?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ cháy nổ xe máy Honda Dream tại Bắc Ninh khiến một thai phụ và một cháu bé tử vong không phải là vụ việc “hy hữu” như đại diện Honda Việt Nam phát biểu. Chỉ tính trong năm 2011, đã có gần chục vụ xe máy của Honda Việt Nam tự bốc cháy, hoặc cháy sau khi va chạm nhẹ trên đường.

Lâu nay, Honda vẫn là một thương hiệu quen thuộc và có uy tín với người tiêu dùng Việt. Những “cơn sốt” xe máy Honda thời gian qua đã minh chứng điều đó. Người tiêu dùng có thể chấp nhận trả giá cao hơn giá niêm yết cả chục triệu đồng để sở hữu xe máy Honda, cũng bởi niềm tin vào thương hiệu này. Nhưng sau sự việc thương tâm trên, dường như đã có một sự thay đổi. Giá xe máy Airblade bỗng dưng hạ thấp hơn giá niêm yết tới 3 triệu đồng. Các đại lý cho rằng việc hạ giá không liên quan đến vụ cháy nổ trên, nhưng chắc chắn mỗi người tiêu dùng cũng phải đắn đo hơn khi chọn thương hiệu này.

Nhưng chỉ sự đắn đo của người tiêu dùng thôi thì chưa đủ để bảo vệ họ. Trong tất cả các vụ việc, người ta không thấy thái độ có trách nhiệm của nhà sản xuất. Cách đây mấy năm, khi một chiếc xe Honda Wave bị gãy cổ phốt khi đang chạy, chủ xe đã khiếu kiện nhưng nhà sản xuất đổ lỗi do va chạm mạnh bên ngoài. Kiện cáo mệt mỏi, cuối cùng khách hàng của Honda ngậm ngùi tự mang xe về sửa. Cũng cách đây mấy năm, khi Toyota Việt Nam dùng động cơ gỉ sét từng bị bỏ quên ở cảng để lắp ráp ôtô, cuối cùng doanh nghiệp này cũng chẳng phải chịu hình thức chế tài nào sau khi “dàn xếp” với khách hàng.

Ở những quốc gia phát triển, kiểu làm ăn như các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm của họ và cơ quan quản lý sẽ không để yên. Thế nhưng người tiêu dùng Việt dường như đơn thương độc mã, chỉ còn cách tự bảo vệ mình và luôn thất thế.

Xe Honda Dream sau vụ nổ làm một thai phụ và cháu bé tử vong. Ảnh: VFJ.

Giá như cơ quan đăng kiểm làm việc chặt chẽ hơn, không chỉ là kiểm tra 500 chiếc xe sản xuất đầu tiên. Giá như Hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng kịp thời thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ không thể chỉ im lặng khi sản phẩm của họ gây ra sự cố và người tiêu dùng đã không phải gánh chịu nỗi đau mất của, mất người. Trong những trường hợp này, trước khi chờ đợi lương tâm và trách nhiệm của nhà sản xuất thì các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, thậm chí cả các cơ quan pháp luật cần phải nhanh chóng vào cuộc.

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương tâm và trách nhiệm?