Lựa chọn những người đủ tài đức, thực sự vì dân vì nước

PV| 08/03/2016 16:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, sáng ngày 8/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Lựa chọn những người đủ tài đức, thực sự vì dân vì nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội

Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội đã thông báo với cử tri dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp sắp tới; trả lời những vấn đề cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc cử tri lần trước và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Phú Nho, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình bày tỏ vui mừng trước thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, những chủ trương đường lối Đại hội đề ra được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về nhiều vấn đề. Việc ký kết nhiều hiệp định hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu... là hướng đi đúng đắn, nhằm đưa nền kinh tế đất nước phát triển, hội nhập. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ rất gay gắt, hàng hóa tràn vào, cần có cơ chế chính sách chiếm lĩnh thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đại hội XII của Đảng đã coi kinh tế tư nhân là một động lực phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên để trở thành động lực rất cần có cơ chế chính sách về vốn, cho thuê đất... tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đồng thời, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đề phòng lợi ích nhóm, làm giàu cho một số người, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Nước ta có lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng còn yếu, năng suất lao động thấp; cần có giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sinh viên ra trường có việc làm, miễn giảm học phí cho con em gia đình nghèo, diện chính sách, vùng sâu vùng xa... Cử tri cũng lo ngại về tình trạng xuất khẩu lao động chui, nhiều lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn tìm mọi cách ở lại bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín lao động Việt Nam.

Để tranh thủ thời cơ, vượt quan thách thức do Hiệp định TPP mang lại, cử tri Phạm Văn Tá, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế xuất nhập khẩu, luật đất đai, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động, hành chính, tố tụng, hình sự… cho phù hợp với các cam kết quốc tế, đưa nền kinh tế đất nước bứt phá vươn lên. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, có cơ chế ràng buộc các cơ quan trong giải quyết các tranh chấp quốc tế, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi trong thanh tra giám sát...

Nhiều cử tri cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt hơn để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Trên thực tế, nhiều công trình được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng hoành tráng, nhưng hiệu quả sử dụng không cao, trong khi thanh niên, thiếu nhi còn thiếu nơi sinh hoạt, vui chơi, tập luyện; việc sử dụng xe công đi lễ hội vẫn diễn ra... Đại hội XII của Đảng đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, đồng thời đề ra nhiều giải pháp phòng, chống vấn nạn nguy hại này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả thực hiện, như vấn đề kê khai tài sản, công tác thanh tra, kiểm tra... Cử tri cho rằng, cần củng cố đội ngũ thanh tra các cấp, đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng ngay trong đội ngũ thanh tra. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, phải luôn đi đầu, làm gương, thực sự liêm chính, có như vậy mới tạo được chuyển biến thực sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cử tri Nguyễn Hữu Cử, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII, đã xây dựng trên 100 dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, các mặt công tác như tiếp xúc cử tri, việc lấy ý kiến đóng góp của cử tri, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới tích cực.

Góp ý về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), cử tri cho rằng cần tăng cường quản lý đối với các trang thông tin điện tử, trang cá nhân, hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng các trang cá nhân để đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, báo chí đã tích cực góp phần tuyền truyền chính sách pháp luật, phổ biến kiến thức đến nhân dân, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng giật gân câu khách, gây hoang mang trong nhân dân, như việc đăng tin trứng giả, rau quả nhiễm chất độc hóa học... khiến nông dân bị thiệt hại, nhiều gia đình lao đao, thậm chí phá sản; cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp này. Cùng với nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm báo, cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, biện pháp xử lý nghiêm đối với hành vi cản trở hoạt động báo chí...

Cử tri Lê Thanh Huyến, phường Cống Vị, quận Ba Đình cho rằng, những năm qua ngành giáo dục đã rất cố gắng để đổi mới, cải cách, nhưng mới chỉ là đổi mới trong cách thi, tuyển sinh, cần đổi mới cái gốc là chương trình, nội dung sách giáo khoa, coi trọng hơn việc giáo dục đạo đức làm người, giáo dục thể chất cho học sinh… Đề cập đến hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, cử tri lấy ví dụ về việc xâm hại rừng đặc dụng khu vực đèo Hải Vân ở Đà Nẵng, xây dựng resort ở Vườn Quốc gia Ba Vì, hay công trình trái phép số 8B Lê Trực, Hà Nội... mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản nhiều lần, nhưng không xử lý dứt điểm nên công trình vẫn tồn tại kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri cũng đề cập nhiều vấn đề dân sinh, gây lo ngại, bức xúc trong dư luận xã hội, như tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng tăng…

Lựa chọn những người đủ tài đức, thực sự vì dân vì nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  trao đổi cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội 

Tổng Bí thư ghi nhận những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cụ thể, sâu sắc của cử tri, đề cập những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, đồng thời nêu những việc cụ thể của địa phương, đơn vị nơi sinh sống, công tác, phản ánh đầy đủ, nhiều mặt cuộc sống đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, qua đó giúp các đại biểu Quốc hội hiểu hơn và làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Tổng Bí thư chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà cử tri luôn dành cho Đảng, Quốc hội; cảm ơn cử tri đã động viên khích lệ, đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua, cũng như thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của cử tri về kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII, một trong những nhiệm kỳ hoạt động ấn tượng, kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được từ các khóa trước đây, từng bước đổi mới và có nhiều tiến bộ, vị thế vai trò của Quốc hội trong đời sống xã hội ngày càng được đánh giá cao, cả trong công tác lập pháp, giám sát, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật, với việc tổ chức thành công Đại hội Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Những thành tựu đó chính là kết quả nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta, ý Đảng hợp lòng dân. Mỗi kỳ họp Quốc hội đều tổng hợp hàng nghìn ý kiến đóng góp của cử tri, có cái tiếp thu làm được, có cái chưa làm được, như phòng chống tham nhũng lãng phí, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách giáo dục, vỉa hè lòng đường, trật tự...

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần lựa chọn những người xứng đáng, đủ đức đủ tài, đủ tâm và đủ tầm, thực sự vì dân vì nước, kiên quyết không để lọt vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân những phần tử có biểu hiện cơ hội chính trị, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm, kê khai tài sản không trung thực, có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. .. Tổng Bí thư mong muốn cử tri phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu, bầu những đại biểu xứng đáng nhất của nhân dân, có đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết… để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thành công tốt đẹp, thực sự dân chủ, công tâm, khách quan.

Vui mừng, phấn khởi về thành công Đại hội XII của Đảng, vị thế, uy tín đất nước ta ngày càng được khẳng định, nâng cao trên trường quốc tế, nhân dân vui Xuân đón Tết Bính Thân an lành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý "không được chủ quan". Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhất là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Để hội nhập thành công, chúng ta phải có thực lực, tức là phải có trình độ, năng lực, phải nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, phải có luật pháp phù hợp với quốc tế, giữ được bản sắc dân tộc, hội nhập mà không hòa tan, không để thua ngay trên sân nhà... Sắp tới, toàn Đảng toàn dân ta phải đồng tâm nhất trí, chuẩn bị và tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thành công tốt đẹp, tiếp tục đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tổng Bí thư thân ái gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể chị em phụ nữ, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn những người đủ tài đức, thực sự vì dân vì nước