18 tuổi, bàn tay Thọ đã nhúng chàm vì trộm cắp. Từ đó đến nay, Thọ 8 lần hầu tòa vì tật “hai ngón”. Vào tù ra tội như cơm bữa nhưng gã đàn ông này vẫn tái phạm. Lần này, Thọ cướp chiếc ví có tổng tài sản 151 nghìn của một cụ bà.
Nguyễn Hữu Thọ (SN 1981) sinh ra và lớn lên ở TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) nhưng có lẽ có một nơi khác Thọ cũng thường “ghé thăm” đó là nhà tù. Thọ bắt đầu vướng vào lao lý từ năm 18 tuổi. Ở lần ăn trộm đó, tuy không phải ngồi tù nhưng Thọ bị xử phạt hành chính.
Đến năm 2002, Thọ bị xử phạt 6 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản. Trong năm 2005, Nguyễn Hữu Thọ 3 lần bị phạt tù cũng vì tội trộm cắp, tổng hình phạt chung buộc bị cáo phải thi hành mức án là 60 tháng tù. Sau nhiều lần vào tù, ra tội nhưng Thọ vẫn chưa từ bỏ được thói trộm đồ của người khác. “Bổn cũ soạn lại” nên vào các năm 2011 và 2015, Thọ bị xử phạt lần lượt 24 và 27 tháng tù cũng vì tội Trộm cắp tài sản.
Tàn sản trộm được của người khác, Thọ thường tiêu xài hết. “Của thiên trả địa” nên Thọ cũng chẳng tích góp được gì cho bản thân. Trái lại hành động trộm cắp của Thọ chỉ để lại nỗi đau buồn, xấu hổ cho người thân.
Bố mẹ của Thọ vốn giả cả, lại đau bệnh nên chỉ mong con mình tu chí làm ăn, tìm công việc lương thiện. Nhưng dường như mong muốn rất đỗi bình thường của ông bà lại trở nên khó khăn khi Thọ lại tái phạm.
Ngày 8/3/2020, Thọ thấy một cụ bà 75 tuổi ở TP. Vinh tay cầm chiếc ví thổ cẩm nên nảy sinh ý định cướp giật. Thọ đi xe máy áp sát cụ bà rồi giật lấy túi xách. Bị cướp, cụ bà chỉ kịp tri hô mọi người đến giúp đỡ. Tên cướp ngay sau đó bị những người đi đường vây bắt khi đang cố gắng dắt xe máy bị hỏng tháo chạy. Cơ quan điều tra đã làm rõ, tổng giá trị mà Thọ cướp của cụ bà là 151 nghìn đồng. Trong đó, chiếc ví có giá trị 10 nghìn đồng và số tiền trong ví là 141 nghìn đồng.
Nguyễn Hữu Thọ bị truy tố về tội Cướp giật tài sản. Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thọ 4 năm tù về tội danh trên. Cho rằng mức án trên là quá nặng, bị cáo này đã làm đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, trình bày lý do xin giảm án, bị cáo thừa nhận hành vi cướp của mình là có tội nhưng cho rằng bản án 4 năm tù đối với bị cáo là quá nặng. Bị cáo trình bày, giá trị tài sản bị cáo cướp được chỉ 151 nghìn đồng tính cả giá chiếc ví nhưng bị tuyên mức án 4 năm là nặng. Do vậy, bị cáo kháng cáo mong cơ hội được giảm án.
Bị cáo kể khổ hoàn cảnh khó khăn, thời điểm phạm tội là khi cả nước đang chống dịch Covid-19 nên khó tìm công việc. Hơn nữa, do lúc đó bị cáo đang áp lưực nợ nần nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản bộc phát. Thọ trình bày: Gần 3 năm nay sau lần ra tù gần nhất, bị cáo không trộm cắp nữa, ý định sẽ làm người công dân tốt. Nhưng không hiểu sao hôm đó bị cáo lại trộm đồ. Bị cáo cảm thấy có lỗi, biết mình đã sai xin tòa giảm nhẹ hình phạt.
Thọ trình bày hoàn cảnh khó khăn, hiện đang nuôi con nhỏ, bố mẹ đã già cả, đau bệnh để xin giảm án, trở về báo hiếu cho người thân. Nhưng đại diện VKSND tham gia quyền công tố tại tòa cho rằng, bị cáo quá coi thường pháp luật khi nhiều lần tái phạm chỉ với một tội danh. Dù trong vụ án này giá trị tài sản bị cáo cướp giật là nhỏ nhưng việc bị cáo dùng xe máy phân khối lớn cướp giật tài sản của cụ bà là nguy hiểm nên cần có bản án nghiêm minh.
Sau quá trình nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án như trên là phù hợp. Tại phiên tòa này bị cáo không cung cấp thêm thông tin gì mới so với tòa sơ thẩm, do đó bác đơn kháng cáo của bị cáo. Y án 4 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hữu Thọ về tội Cướp giật tài sản.
Bản án 4 năm tù được giữ nguyên, Thọ lầm lũi bước theo cán bộ về trại tạm giam chờ ngày thi hành án. Vào tù khi sắp sửa bước sang tuổi 40, liệu Thọ đã nhận ra lỗi lầm để quay đầu….