Tòa án

Lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để thể chế hóa yêu cầu xây dựng Tòa án chuyên nghiệp

Duy Tuấn 28/05/2024 19:22

Theo đại biểu Quốc hội, việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản là để thể chế hóa yêu cầu xây dựng Tòa án chuyên nghiệp được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Nội dung đáng chú ý này được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng nay 28/5.

Phù hợp với quá khứ, hiện tại và tương lai

Về quy định thành lập toà sơ thẩm chuyên biệt quy định tại mục 5 Chương IV của dự thảo luật, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà bày tỏ tán thành, đồng thời khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước và Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia.

dongocthinh.jpeg
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà.

Nêu việc xét xử các vụ án hành chính, xét xử người bị hại là Chủ tịch tỉnh là rất khó. Đại biểu Thịnh cho rằng, “nếu chúng ta tiếp tục giữ điều này rất khó cho tòa độc lập, rất khó cho tòa xử công bằng và rất khó cho việc đảm bảo công lý. Cho nên chúng ta phải thay đổi và thay đổi này phù hợp với xu hướng của thế giới”.

Theo đại biểu, gần như các nước thế giới người ta đều làm như vậy “nên chúng ta làm thế này cũng cần thiết, hơi muộn nhưng vẫn còn kịp”.

Đại biểu nhấn mạnh, quy định này phù hợp với truyền thống tư pháp của nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Hiến pháp 1946 đã quy định rất rõ.

tc1(2).jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

“Chúng ta thấy trong những thời điểm lịch sử, Bác Hồ quyết định rất nhiều những vấn đề lớn của quốc gia, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp 1946. Bác cũng đã chỉ đạo quy định phải có Tòa sơ thẩm và phúc thẩm như thế này. Tôi thấy cứ theo Bác là đúng, chúng ta nên theo điều này.

Tòa án phải trở thành trung tâm và xét xử phải trở thành trọng tâm. Tại sao phải như thế, bởi vì có như thế xét xử mới công bằng, đảm bảo công lý và có như thế Nhân dân mới tin vào pháp luật và tin vào Tòa án và xa hơn nữa là nhân dân tin vào chế độ, đấy là cơ sở chính trị”, đại biểu Thịnh nói.

Không phát sinh thêm biên chế

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, dự thảo luật quy định nội dung này là phù hợp và cần thiết.

namphutho.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Bởi lẽ, thực tiễn xét xử cho thấy nhiều loại án rất khó, rất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu, việc tổ chức xét xử phải chuyên nghiệp và người thẩm phán tham gia giải quyết các loại án này phải có trình độ cao, không chỉ về pháp luật mà cả về lĩnh vực chuyên môn tương ứng, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phá sản và hành chính.

“Thực tế thì nhiều lĩnh vực khác nhau mà một thẩm phán để xét xử sẽ bị ảnh hưởng chất lượng, Thẩm phán được chuyên môn hóa càng sâu, càng cụ thể lĩnh vực xét xử thì hiệu quả, chất lượng sẽ được nâng lên” - đại biểu Nam nói.

Theo đại biểu, các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt được thành lập còn bảo đảm tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các loại việc này.

Đây là bước đi thể hiện hệ thống Tòa án nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp, đồng thời gia tăng uy tín quốc tế trong hệ thống tư pháp Việt Nam.

Mặt khác, việc thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản là để thể chế hóa yêu cầu xây dựng Tòa án chuyên nghiệp được đề ra trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, số lượng Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt không giống với việc thành lập các tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt được thành lập với số lượng rất hạn chế trong cả nước.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, dự kiến cả nước thành lập 1 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, 3 hoặc 4 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về hành chính, 1 đến 2 Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt về phá sản. Do tính chất đặc thù của loại Tòa án này, số lượng các Tòa án được thành lập theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao là phù hợp và Thẩm phán tại các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sẽ được điều động từ các Tòa án khác trong hệ thống Tòa án. Trong quá trình hoạt động, căn cứ số lượng vụ việc phải giải quyết, các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ bổ sung thẩm phán cho Tòa án này.

"Vì vậy, việc thành lập các Tòa án này không phát sinh thêm về mặt biên chế là phù hợp"- đại biểu Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để thể chế hóa yêu cầu xây dựng Tòa án chuyên nghiệp