Khi cái nghề trồng dâu nuôi tằm dần trôi vào quên lãng, hồi ức về làng nghề tơ tằm truyền thống trứ danh xứ Quảng theo đó chẳng còn ai nhắc nhớ…
Đến khi nào nghề của làng mới trỗi dậy hồi sinh, là câu hỏi khiến nhiều người day dứt? Mãi đến hôm nay, những người dân vùng bãi bồi dọc sông Thu Bồn mới khấp khởi nhen lên hy vọng về một ngày lại được nghe tiếng tằm ăn dâu, thấy lại những nương dâu phủ xanh bãi biền.
Một thời vang bóng
Chỉ tay vào những chiếc nong lớn đang dựng xếp lớp ở góc nhà, anh Phạm Tâm, gia đình đã có nhiều đời làm nghề ươm tơ buồn bã cho biết: “Ở Đông Yên không còn hộ nào trồng dâu nuôi tằm. Phần do là thời tiết những năm gần đây quá nóng, lại thêm các hộ dân trồng trọt sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên con tằm không thể sống nổi”. Không còn tằm, những bãi dâu xanh ngát dọc sông Thu Bồn cũng dần nhường chỗ cho những luống ngô, ruộng đậu. Hợp tác xã ươm tơ bề thế ngày nào giờ chỉ còn là khu đất trống giữa làng.
Trồng dâu nuôi tằm đã vậy, những hộ làm nghề ươm tơ cũng không khá hơn. Lần hỏi mãi, vừa tranh thủ lượm lặt “xác xả”, anh Đoàn Lượng vừa nói: “Tôi tin rằng sẽ có lúc làng nghề trở lại hưng thịnh, nghề nào mà chẳng có lúc thịnh lúc suy, lăng Đoàn Quý phi còn, nghề không bao giờ mất”.
Làng Đông Yên – thủ phủ của nghề tơ tằm xứ Quảng còn là nơi diễn ra câu chuyện tình của thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi và Chúa Nguyễn Phúc Lan. Khi cô thôn nữ hái dâu cất lên tiếng hát trong đêm trăng thanh cũng là khi Chúa Nguyễn thấy tim mình rung động, thế là thôn nữ họ Đoàn trở thành Quý phi.
Đoàn Quý phi mang nghề ươm tơ, dệt lụa của làng mình truyền lại cho muôn dân và sau này được mệnh danh là “Bà Chúa tằm tang”, nghề tằm tang ở quê hương bà tất nhiên cũng theo đó mà phát triển hưng thịnh. Vào thời kỳ hưng thịnh, tại đây có trên 400 hộ theo nghề với hàng trăm ha đất trồng dâu. Cả một dải đất dọc theo đôi bờ Thu Bồn là những bãi dâu xanh mát kéo dài hút tầm mắt, ngày ngày rộn tiếng thoi đưa, với những mặt hàng phổ biến như lanh, sa nhiễu, đũi, the... từng theo chân các thương thuyền ngoại quốc đi khắp vùng biển Đông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Lê Trí Thanh khảo sát dự án trồng dâu nuôi tằm tại huyện Duy Xuyên và các địa phương lân cận
Sau giải phóng, nghề này đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc...; giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, toàn tỉnh Quảng Nam hiện nay chỉ còn khoảng 11 ha dâu, chủ yếu tập trung tại một số xã của huyện Duy Xuyên như: Duy Hòa, Duy Châu, thị trấn Nam Phước, Duy Trinh với khoảng 30 hộ trồng. Các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ và giá bán tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và không phải là nghề cần khuyến khích phát triển ở nông thôn.
Bước đi đầu tiên
Ngày 3/5/2018, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng lãnh đạo các Sở Ban ngành các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc tổ chức khảo sát thực địa vùng trồng dâu nuôi tằm với quyết tâm vực dậy một trong những làng nghề truyền thống lâu đời tại địa phương.
Tại buổi khảo sát, ông Lê Thế Vũ - Phó Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho tơ lụa, việc tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ không phải là quá khó. Chưa kể, đã có nhiều doanh nghiệp tơ lụa tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang tìm cách liên kết với doanh nghiệp của Quảng Nam để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm tơ lụa xứ Quảng. Ngoài ra, công ty Làng lụa Hội An đã kí kết các hợp đồng liên kết với những Hiệp hội tơ lụa của thế giới, mong muốn Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu về tơ lụa, phục vụ cho chế biến sâu. Các hiệp hội cũng đã làm việc với công ty Làng lụa Hội An để tổ chức sản xuất, phối hợp cùng tập đoàn của Mỹ. Đây là tập đoàn đã được chấp thuận cho nghiên cứu dự án về trồng dâu, kết hợp với nuôi tằm. Chính vì vậy sự tham gia của họ với tư cách là nhà đầu tư sẽ là đầu ra rất tốt kể cả về phát triển du lịch, phát triển thương mại và về công nghệ cao.
“Trong nhiều năm qua chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đi tìm kiếm đầu ra, kí những hợp đồng rồi triển khai xuống cho bà con làm và mình thu mua trở lại. Trong những hợp đồng nguyên tắc kí với các đối tác nước ngoài thì có phần chuyển giao công nghệ, chuyển giao trứng giống, mà vấn đề trứng giống ở Việt Nam bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, chúng ta đang làm theo một quy trình ngược, tức có đầu ra rồi mới làm chứ chúng ta không làm như trước để rồi vấn đề đầu ra trở thành một điều nan giải. Chúng tôi đã lo được.” ông Vũ nói.
Hiện nay, vùng đất này đã thuận lợi hơn trước, cơ sở hạ tầng đầy đủ. Các hệ thống điện, thủy lợi cũng được các địa phương kéo ra tận đồng ruộng để đảm bảo nước tưới cho hoa màu.
Đoàn khảo sát dự án dâng hương tại Lăng mộ Đoàn Quý phi – Bà Chúa Tàm tang
Tại buổi khảo sát xây dựng dự án, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo: Về diện tích nghiên cứu có khoảng 3000ha. Mặc dù có tiềm năng như vậy, một cơ hội như vậy nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Doanh nghiệp phải kết nối với thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế, còn chính quyền phải nghiên cứu các cơ chế chính sách để tác động vào, để thắt chặt hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân địa phương vừa tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, vừa tạo sản phẩm đa dạng mẫu mã, chủng loại, đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Có thể thấy việc phục hưng làng nghề tơ tằm là một quy trình ngược, nghĩa là tìm kiếm đầu ra trước, triển khai trồng thí điểm các giống mới chất lượng để đánh giá toàn diện hơn rồi mới đưa vào hoạt động sản xuất, nhân rộng với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần.
Chúng tôi cũng làm việc với một đối tác của Mỹ và đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cho phép nghiên cứu thành lập một phòng thí nghiệm giống tằm biến đổi gen phù hợp để có thể nghiên cứu nâng cao năng suất, hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm. Tôi nghĩ bây giờ có thể đặt ra mục tiêu phục hồi và phát triển nghề dâu tằm tơ, xuất phát từ tín hiệu của thị trường, bằng con đường liên kết một cách rất chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân. Nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm phải gắn với các chính sách đảm bảo đầu ra để người dân yên tâm sản xuất.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2025 tại các địa phương Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn sẽ từng bước tổ chức sản xuất chuyên canh 200ha dâu và sẽ có 800 hộ nuôi tằm, bình quân mỗi hộ trồng 5 sào dâu để nuôi tằm. Cùng với đó, bố trí 2ha đất để quy hoạch 2 điểm, một điểm dành cho HTX xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung cung cấp cho hộ nông dân nuôi tằm lớn, một điểm để đầu tư xây dựng lò sấy kén gắn với xây dựng nhà máy ươm tơ. Hiện tại đã có 12 hộ tham gia với tổng diện tích 3ha đất và sẽ triển khai trồng dâu trong tháng 4 tới, nuôi tằm trở lại vào cuối năm 2018.
Nguồn giống chất lượng, đất đai phì nhiêu, áp dụng công nghệ cao tiên tiến của nước ngoài cộng thêm đầu ra được đảm bảo, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp có thể nói chưa bao giờ nghề dâu tơ tằm ở Quảng Nam lại có tiến triển tốt như vậy.