Ký ức Gạc Ma của cựu chiến binh trở về

Đức Hồ| 14/03/2023 07:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sống sót trong trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa và trở về sau gần 4 năm bị giam tại nhà tù, cựu binh Lê Minh Thoa vẫn nhớ như in trận hải chiến đẫm máu năm ấy đã khiến 64 đồng đội nằm lại mãi mãi.

Từng tham gia trận chiến lịch sử Gạc Ma - Trường Sa (ngày 14/3/1988) và là một trong 9 chiến sĩ trở về sau gần 4 năm bị bắt nhốt biệt lập tại nhà tù, giờ đây, cựu chiến binh Lê Minh Thoa đang là chủ quán phở mang tên Gạc Ma - Trường Sa.

Ký ức Gạc Ma của cựu chiến binh trở về

Cựu chiến binh Lê Minh Thoa

Ông Thoa nhớ lại: “Ngày 11/3/1988, tôi nhận lệnh tăng cường cho tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma - Trường Sa. Chạy gần 2 ngày 3 đêm, đến 16h chiều ngày 13/3/1988 tàu của chúng tôi thả neo cách đảo Gạc Ma chỉ chừng 500 mét. Vài chục phút sau, tôi thấy tàu Hải thám Trung Quốc chạy về phía Gạc Ma, liên tục phát loa nói đây là lãnh thổ của Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rời ngay. Nghe chúng nói, anh em tôi bỏ ngoài tai điều phi lý đó, vẫn tiếp tục triển khai nhiệm vụ, chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền, cắm cờ Tổ quốc đúng 24h khuya khi thủy triều rút xuống”.

Đến sớm hôm sau (ngày 14/3/1988), địch tràn lên đảo, giật cờ Tổ quốc mà chiến sĩ ta đã cắm xong, anh em chiến sĩ của ta vẫn kiên quyết đấu tranh bảo vệ cờ.

Sau một hồi giằng co khốc liệt, phía Trung Quốc bắt đầu nổ súng khiến nhiều chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh giữa biển. Ba chiếc tàu chiến của Trung Quốc đứng 3 phía chĩa súng vào tàu của ta bắn. Chỉ trong vòng 15 phút thì tàu ta bị chìm. 

“Lúc đó, tôi bị thương ở chân, bỏng lưng, nhưng cũng may vớ được 2 quả bí (1 xanh, 1 đỏ, thức ăn hằng ngày) để làm phao. Đến 17h chiều ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả xuồng đến chỗ tôi (trên xuồng 1 người lái, 2 người cầm súng) và ra dấu cho tôi đầu hàng nhưng tôi quyết không chịu. Khi thấy tôi ôm 2 quả bí thì chúng không dám tới gần mà lấy cây sào móc kéo tôi lên xuồng, bịt mắt, trói tay chở đến tàu. Lúc tỉnh dậy, tôi đã thấy nằm bên cạnh mình là 8 đồng đội bị trói chặt tay, nằm xếp hàng, trên người bê bết vết máu”, ông Thoa hồi tưởng.

Khi nhắc đến đây, giọng anh Thoa bỗng chùng lại, đôi mắt chuyển sang màu đỏ, ngấn ngần nước. Anh nói: “Lúc đó, tôi chỉ mặc áo ba lỗ, quần đùi bị rách tả tơi. Chúng chở anh em chúng tôi đi mấy ngày đêm chẳng ăn uống gì, máu của đồng đội cứ tuôn chảy, ai cũng xót xa. Khi đến đảo Hải Nam, chúng chuyển tàu chở 9 chúng tôi về nhà tù Lôi Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Nhiều anh em bị thương, chúng dùng dao để mổ lấy từng mảnh đạn trong người nhưng chẳng có thuốc giảm đau”.

Đến năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị bắt nhốt ở đây.

Ký ức Gạc Ma của cựu chiến binh trở về

Quán phở với cái tên đặc biệt "Gạc Ma - Trường Sa" ở thành phố Quy Nhơn do chính tay cựu chiến binh Lê Minh Thoa nấu

Ông Thoa chia sẻ: "Lúc đó, đoàn Hội Chữ thập đỏ bảo với anh em chúng tôi rằng chắc chắn giữ được mạng sống nhưng về nước hay không thì phải tùy thuộc nhiều thứ. Mỗi người chúng tôi được phép viết vài dòng vào tờ giấy (không quá 24 chữ cái) để gởi lời đến gia đình. Tôi chỉ viết rằng, con ở đây vẫn khỏe, bố mẹ yên tâm, với mong muốn gia đình ở quê sẽ có chút tin tức về tôi”.

Đến tháng 11/1991, ông Thoa cùng các đồng đội được trao trả về nước.

Trong căn nhà nhỏ ở đường Tăng Bạt Hổ, cựu chiến binh Lê Minh Thoa tận dụng khoảng không gian chật hẹp ở tầng dưới để bán phở mưu sinh hàng chục năm qua.

Quán phở với cái tên đặc biệt "Gạc Ma - Trường Sa", như để nhắc nhớ ông về trận chiến bi hùng mà 64 đồng đội của ông đã ngã xuống, những người may mắn sống sót trở về cũng mang thương tích đầy mình.

“Nhiều người thấy cái tên quán phở "Gạc Ma - Trường Sa" rất tò mò, đây cũng là dịp tôi kể cho họ nghe về trận chiến đã đi qua”, ông Thoa tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Gạc Ma của cựu chiến binh trở về