Phóng sự - Ghi chép

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023):Tây Bắc - nơi lưu dấu chân Bác

Gia Bảo 19/05/2023 06:02

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chỉ lên thăm Tây Bắc được một lần, đó là ngày 7/5/1959, đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 64 năm đã trôi qua, nhân dân tỉnh Sơn La nói riêng và đồng bào các dân tộc trên Tây Bắc nói chung, vẫn luôn khắc cốt, ghi tâm và làm theo lời dạy của Bác: “Đoàn kết phấn đấu để tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, quét sạch hết bọn phá hoại làm cho mọi người đều được no ấm, đều được biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”.

anh-bai-dau-chan-bac-tren-tay-bac-1.jpg
Bác Hồ về thăm tỉnh Sơn La năm 1959.

Vinh dự được đón Bác về thăm

Cách đây tròn 64 năm, khi đồng bào các dân tộc Tây Bắc đang bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế thì vui mừng được tin Bác Hồ về thăm. Thời điểm ấy, tỉnh Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung vẫn còn khó khăn chồng chất. Thổ phỉ thì điên cuồng quấy phá, kẻ xấu thì kích động chia rẽ dân tộc, kích động ly khai lập xứ Thái, xứ Mông tự trị. Nhiều người dân còn đói, nhiều người mù chữ, bệnh tật hoành hành, nhất là các bệnh như sốt rét, phong, lao, tả, lỵ.

Việc được đón Bác và đoàn cán bộ của Chính phủ lên thăm lúc ấy, là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Đi cùng với Bác còn có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

“Trước ngày đón Bác, thủ phủ Khu tự trị Thái - Mèo (Trung tâm hành chính Khu tự trị đặt tại bản Pán, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) rực rỡ cờ, hoa, biểu ngữ bằng chữ phổ thông, chữ Thái, chữ Mông. Bên cạnh sân vận động, nơi chuẩn bị lễ mít tinh lớn là một cuộc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội sau bốn năm thành lập Khu tự trị. Từ trước đó mấy ngày, đồng bào các dân tộc ở quanh khu vực cũng không quản đèo dốc mang theo quà, cờ hoa nô nức đi đón Bác. Đến khi được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, chúng tôi ai cũng khóc...”, cụ Vừ Thị May, 92 tuổi, một cựu nữ dân quân du kích của huyện Mường La (Sơn La) kể.

Sáng 7/5/1959, đến dự lễ mít tinh Kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại huyện Thuận Châu, Bác Hồ và đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ bước vào Lễ đài giữa tiếng hô vang dậy núi rừng của 10 nghìn đồng bào đại diện cho hơn 30 dân tộc anh em ở 17 châu về dự. Trong không khí đầm ấm của đại gia đình các dân tộc Tây Bắc, Bác Hồ thân mật nói chuyện với đồng bào.

“Tại cuộc mít tinh hôm đó, có hàng vạn người đủ mọi tầng lớp nhân dân đến dự. Có người đã cõng theo con nhỏ; có người phải đi đêm, vượt đèo, núi, suối sâu; có người mang theo gói cơm, cá nướng, giỏ trứng, quả bí, quả bầu, cái ghế mây, cái gối, cái khăn, đi đón Bác Hồ, như đón người thân của gia đình đi xa lâu ngày trở về. Ai ai cũng muốn dâng những sản vật của quê hương lên Bác”, cụ May chia sẻ.

Đó chính là những tình cảm chân thành, kính trọng của đồng bào đối với Bác. Đó cũng là hình ảnh thể hiện mọi người dân tuy còn nghèo, khó, nhưng một lòng, một dạ hướng về Đảng, Bác Hồ, Chính phủ.

Trong buổi nói chuyện, Bác khen ngợi thành tích của quân, dân Khu tự trị đã anh dũng trong kháng chiến, hăng hái thi đua trong lao động sản xuất. Người căn dặn: “Tôi mong rằng, đồng bào, bộ đội, cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua, càng thi đua hơn nữa... Ngày nay đồng bào, bộ đội và cán bộ càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to lớn hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui”.

Thay mặt Chính phủ, Bác trao tặng đồng bào các dân tộc Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích trong kháng chiến và tiến bộ trong hòa bình. Đồng thời, Người cũng căn dặn đồng bào đoàn kết, ra sức thi đua thực hành tiết kiệm và trao lá cờ của đồng bào Thủ đô gửi tặng, có dòng chữ: “Nhân dân Thủ đô Hà Nội thân ái tặng các dân tộc anh em Khu tự trị Thái – Mèo” và dòng chữ: “Đoàn kết - Thi đua - Thắng lợi”.

Trong cuốn “Nhân dân các dân tộc Sơn La làm theo lời Bác - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005” cũng như trong ký ức của các bậc cao niên ở tỉnh Sơn La vẫn khắc ghi chi tiết: Tại Thuận Châu, khi đang nói chuyện, mọi người đang chăm chú hướng lên khán đài, Bác nhìn một lượt rồi bất ngờ hỏi một câu bằng tiếng dân tộc Thái: “Pi noọng phăng hụ báu?” (Anh em nghe tôi nói có hiểu không?).

Mọi người ngỡ ngàng, lặng đi giây lát, rồi đồng thanh đáp: “Hụ dá lọ!” (Có ạ! Hiểu rồi ạ!). Rồi từ trong đám đông có tiếng hô vang: “Pú Hô xen pi, Pú Hô xen pi” (Bác Hồ sống lâu muôn tuổi), thế là mọi người hô theo, tiếng vang dội vào vách núi, lan truyền như những đợt sóng âm vang cả núi rừng. Nhiều cụ già sung sướng trào nước mắt, vì lần đầu được nghe Bác Hồ nói tiếng của dân tộc mình.

“Được nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, giọng nói lại ấm áp, hiền từ, nhiều người trong chúng tôi đã không cầm được nước mắt. Mãi sau này, mỗi khi nhớ lại lần được gặp Bác, tôi đều rưng rưng xúc động”, cụ May chia sẻ.

anh-bai-dau-chan-bac-tren-tay-bac-2.jpg
Bác Hồ thổi khèn do đồng bào huyện Yên Châu kính tặng.

Ghi nhớ lời Bác dạy

Rời Thuận Châu, sáng ngày 8/5/1959, Bác đến Yên Châu. Hơn 2.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện Yên Châu tổ chức mít tinh đón Bác và đoàn đại biểu Chính phủ tại bản Khoóng, xã Chiềng An.

Trước đó, nghe tin Bác Hồ đến thăm, ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất mang theo cờ hoa, biểu ngữ đi đón Bác. Và rồi giây phút thiêng liêng ấy cũng đến. Rừng người, rừng cờ sôi động hẳn lên khi Bác xuất hiện trên lễ đài. Những tràng vỗ tay vang lên không ngớt, Bác giơ tay vẫy chào và mời đồng bào ngồi xuống. Cả rừng người lặng im trong tiếng nói ấm áp, ân tình của Người.

Trong buổi nói chuyện, Bác biểu dương: “Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng vẫn phải anh dũng. Anh dũng trong mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc, bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ…”.

Rồi Bác còn dặn dò cán bộ: “Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đầy tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu, cưỡi cổ nhân dân. Tức là, cán bộ phải chăm sóc đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được đời sống, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi”.

Ngoài ra, Bác còn hỏi nhiều về sản xuất và hướng dẫn đồng bào áp dụng cải tiến kỹ thuật, làm thủy lợi, làm phân bón ruộng… một cách cụ thể, dễ hiểu.

Những lời dặn dò, sự chỉ bảo ân cần của Bác mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc vượt qua khó khăn thử thách, vững bước đi lên xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Thể hiện tấm lòng kính yêu với Bác, đồng bào Yên Châu kính tặng Bác chiếc khèn. Trước mọi người, Bác đưa chiếc khèn lên thổi. Tấm ảnh Bác thổi khèn được lưu giữ tại kho tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam hiện nay chính là tấm hình ghi lại tấm lòng Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc, đồng bào Yên Châu.

Từ Yên Châu, Bác đến thăm nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Niềm vui, nỗi hồi hộp xen lẫn, ai cũng muốn được thấy Bác đầu tiên, ai cũng muốn gần Bác nhất để được ngắm, được thỏa lòng mong ước bấy lâu. Bác vẫy tay chào, Bác hôn các cháu thiếu nhi. Bác thăm hỏi sức khoẻ, đời sống sản xuất của đồng bào, của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 335 đóng trên Mộc Châu. Rồi Bác thăm Nông trường Mộc Châu. Ngày Bác về thăm Mộc Châu cũng là ngày đầu tiên thành lập Nông trường Mộc Châu.

64 năm đã trôi qua, khắc ghi lời Bác dạy, Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng, đã nỗ lực không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - xã hội cho đến an ninh - quốc phòng. Tuy những thành quả đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển, nhưng đã từng bước đáp ứng được ngày càng tốt hơn mong ước của Bác là làm cho mọi người đều được ấm no, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc, yên vui.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng đã và đang xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn dân; thực hiện tốt công tác dân quân tự vệ; thường xuyên huấn luyện, thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự; đề cao trách nhiệm bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, quan hệ tốt với các tỉnh Bắc Lào, xây dựng biên giới hòa bình – hữu nghị.

Những ngày tháng 5 này, Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ về thăm. Đây là dịp để đồng bào, chiến sĩ các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, thể hiện lòng tưởng nhớ, thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ; khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng. Đồng thời, đây cũng chính là cách biểu hiện tình cảm của đồng bào trong việc thực hiện lời dạy của Bác, đoàn kết một lòng, xây dựng mảnh đất Tây Bắc ngày một giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023): Tây Bắc - nơi lưu dấu chân Bác