Không thể vô ơn bạc nghĩa

Bảo Dân| 27/07/2016 06:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc chăm sóc, hỗ trợ cho người có công (NCC) là một việc làm ân nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình NCC. Đây là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.

Thấu hiểu nỗi khó khăn về nhà ở của nhiều đối tượng chính sách, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg  về “Hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng về nhà ở”. Phải nói rằng đây là một trong những quyết định đắc nhân tâm nhất với NCC.

Thực hiện nghị quyết này, hầu hết các địa phương đã thực sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc để làm tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số địa phương, do cấp ủy và chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, quan liêu và vô cảm nên chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, gây khó khăn thêm cho các hộ chính sách.

Tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nghe vận động có tiền hỗ trợ làm nhà, bà Trương Thị Hòa, 67 tuổi, vợ liệt sĩ, có cuộc sống khó khăn đã dỡ bỏ căn nhà cũ, và vay nóng tiền để xây ngôi nhà mới. Nhưng rồi khi bà Hòa xây nhà xong thì tiền hỗ trợ chẳng thấy đâu bà đâm ra mang công mắc nợ. Suốt 3 năm nay, người vợ liệt sĩ phải chịu cảnh nợ nần. Có mấy tấm ván lo hậu sự cũng tính bán đi để trả nợ. Sự thật đau lòng ấy gây mất mát niềm tin trong nhân dân. Cán bộ làm như thế là có tội với đối tượng có công với cách mạng.

Đấy là chuyện ở xa Thủ đô, còn ở ngay huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng có những chuyện như vậy. Bà Nguyễn Thị Lựu, vợ liệt sĩ nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi nợ nần. Cách đây 3 năm, bà Lựu được cán bộ xã Kim Nỗ thông báo là thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà. Tuy chưa nhận được đồng nào nhưng vì ngôi nhà đã quá dột nát nên bà đi vay để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có đồng tiền hỗ trợ nào nên bà Lựu vẫn mang nợ và không biết trả bằng gì.

Ở xã này còn có bà mẹ liệt sĩ khác là bà  Nguyễn Thị Thước mất rồi mà nhà mới chưa xong vì vay tiền làm nhà. Khoản tiền 40 triệu vẫn ở trên giấy. Khổ thân bà lão không còn sống để ở một ngày trong ngôi nhà mới bằng tiền con cháu đi vay mượn, tạm ứng trước để xây.

Hóa ra xã Kim Nỗ còn tới 40 hộ được hưởng Quyết định 22 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 5 hộ nhận được tiền hỗ trợ xây, sửa nhà, 35 hộ còn lại vẫn đang dài cổ trông đợi ngậm ngùi.

Xung quanh việc hỗ trợ tiền xây nhà cho các gia đình chính sách cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét. Với số tiền 40 triệu đồng thì ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể xây dựng được ngôi nhà cấp 4 lợp tôn. Nhưng ở đô thị giá cả đắt đỏ thì 40 triệu đồng không thể xây được ngôi nhà cấp 4, rất cần có sự ủng hộ thêm tại chỗ. Đó là chưa kể khi xây xong được ngôi nhà thì chẳng có thứ đồ đạc gì ngoài căn nhà trống không.

Đáng phàn nàn là ở một số nơi, chính quyền xã còn ỉm đi số tiền hỗ trợ để chi cho việc khác như xây dựng nông thôn mới, hội hè đình đám đã hà lạm vào tiền hỗ trợ của Chính phủ đối với NCC. Thế là vô ơn bạc nghĩa với người có công.

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành LĐ -TB - XH cần tổng kiểm tra việc thực hiện Quyết định 22/2013 để khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót để trình Thủ tướng điều chỉnh Quyết định nhân ái này cho sát hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể vô ơn bạc nghĩa