Người dân có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Tuy nhiên không được yêu cầu kiểm tra hay xem chuyên đề, kế hoạch trực tiếp khi làm việc với CSGT mà chỉ được xem chuyên đề của CSGT thông qua một trong các hình thức như tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân ...
Hỏi: Theo các quy định hiện hành, Cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền dừng xe kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề. Vậy người dân khi bị dừng xe có quyền được xem chuyên đề của CSGT không?
Độc giả Đỗ Văn Sơn, Hà Nội
Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng VPLS Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn như sau:
Các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông
Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định cụ thể 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, bao gồm:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
CSGT kiểm tra nồng cồn của người tham gia giao thông. Ảnh Hữu Thắng
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, CSGT có quyền dừng xe kiểm tra theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ hoặc chuyên đề kiểm tra.
Người dân có quyền xem chuyên đề của CSGT?
Theo quy định, những nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau:
- Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:
Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;
Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;
Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;
Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Công tác đăng ký, cấp biển số xe:
Quy trình, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe;
Tên cơ quan, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;
Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;
Lệ phí đăng ký xe;
Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe;
Trách nhiệm của cơ quan Công an và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đăng ký xe;
Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các quy định về đăng ký, cấp biển số xe.
Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:
Quy trình chỉ huy, điều khiển giao thông;
Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;
Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;
Tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông:
Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;
Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;
Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.
Đồng thời, tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA, căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:
Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.
Đăng Công báo.
Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.
Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo các quy định trên, người dân hoàn toàn có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Tuy nhiên không được yêu cầu kiểm tra hay xem chuyên đề, kế hoạch trực tiếp khi làm việc với CSGT mà chỉ được xem chuyên đề của CSGT bằng một trong các hình thức trên.