Hàng loạt các doanh nghiệp (DN) khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có dấu hiệu chây ì, trốn thuế, thậm chí có DN còn không kê khai thuế. Vậy nhưng đến nay, Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa đưa ra các chế tài để ngăn chặn tình trạng này.
Ngành thuế buông lỏng quản lý
Theo tìm hiểu của PV Báo Công lý được biết, tổng nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn huyện Sông Lô trong vòng 10 năm qua phải nộp vào ngân sách khoảng 25 tỉ đồng. Đây là toàn bộ nghĩa vụ tài chính bao gồm lệ phí khai thác khoáng sản và thuế phát sinh.
Tuy nhiên, số tiền thực sự ngân sách Nhà nước nhận được là bao nhiêu, có bao nhiêu doanh nghiệp đang nợ, trốn thuế, số tiền nợ này là bao nhiêu thì chưa có một cơ quan nào đứng ra tổng hợp và chịu trách nhiệm. Thực tế, còn khá nhiều công ty khai thác cát trên sông Lô hiện nay vẫn đang còn nợ đọng và chây ì không kê khai và nộp thuế.
Báo cáo của Cục thuế cho thấy Công ty CP Khai thác và chế biến lâm khoáng sản Hoàng Phát không kê khai thuế trong suốt quá trình khai thác (7/2011 - 7/2016)
Cụ thể, một số doanh nghiệp có dấu hiệu chây ì, trốn thuế (tính tới ngày 30/04/2017) như sau:
Công ty CP Khoáng sản Đại Việt được cấp phép trước khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực. Tổng số nghĩa vụ tài chính của công ty này phải thực hiện nộp ngân sách là 1.342.183.528 đồng (bao gồm thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, Công ty này còn nợ 1.112638528 đồng;
Công ty CP Tư vấn ĐTXD Bắc Ái được cấp hai điểm mỏ tại xã Cao phong và xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Tổng số nghĩa vụ tài chính công ty này còn nợ là 44.800.000 đồng và 396.535.000 đồng.
Công ty TNHH VT&XD Vĩnh Phúc được cấp hai điểm mỏ tại các xã Tứ Yên, Đức Bác và Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Tổng số nghĩa vụ tài chính công ty này còn nợ là 109.218.020 đồng.
Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA được cấp hai điểm mỏ tại xã Cao Phong và xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Tổng số nghĩa vụ tài chính công ty này còn nợ là 161.090.000 đồng.
Công ty CP XDĐT Phúc Lợi Hà Nội được cấp 03 điểm mỏ tại các xã Phương Quan, Đôn Nhân - Yên Thạch, và xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô. Tổng số nghĩa vụ tài chính công ty này còn nợ là 365.400.000 đồng.
Công ty CP TM&ĐT Thái An được cấp điểm mỏ tại xã Tứ Yên, huyện Sông Lô. Tổng số nghĩa vụ tài chính công ty này còn nợ là 279.205.200 đồng.
Đặc biệt hơn cả là Công ty CP Khai thác và chế biên lâm khoáng sản Hoàng Phát, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1597/QĐ-UBND ngày 08/07/2011 tại điểm mỏ xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô với diện tích 9,29ha, trữ lượng 267,624m3, công xuất khai thác 48.000m3/năm. Thời hạn khai thác từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2016.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trong một thời gian dài (giai đoạn từ 2011 - 2015), Công ty này đã không hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước.
Trong khi đó, ngày 14/05/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới có Quyết định số 1265/QĐ-CT về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc có Thông báo số 1858/TB-CT ngày 15/05/2015 về nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tổng số tiền là 722.584.800 đồng.
Thế nhưng, theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Sông Lô gửi Cục thuế Vĩnh Phúc lại cho rằng: "Chi cục đã yêu cầu đơn vị kê khai thuế tại Chi cục theo đúng pháp luật, nhưng từ khi được cấp quyền khai thác tới nay đơn vị không kê khai, nộp thuế với Chi cục thuế Sông Lô".
Như vậy, trong suốt 05 năm khai thác khoáng sản, Công ty CP Khai thác và chế biên lâm khoáng sản Hoàng Phát đã không hề đóng một đồng thuế nào cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không có chế tài để xử lý tình trạng này.
Thực tế này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng các lãnh đạo tỉnh đang “làm ngơ” cho các doanh nghiệp sai phạm mặc sức tung hoành, khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu một cách nghiêm trọng.
Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc thất thu ngân sách
Mặc dù, trước khi làm việc với Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc, PV đã có giấy giới thiệu của UBND tỉnh, thế nhưng trong suốt thời gian thực hiện loạt bài viết này, PV chỉ được tiếp xúc với một đại diện truyền thông của Cục thuế. Nhiều lần đề nghị được làm việc trực tiếp với Cục trưởng cục thuế nhưng PV đều nhận được câu trả lời là "bận".
Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc
Trước câu hỏi, Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp hay chế tài gì để yêu cầu các doanh nghiệp này phải chấp pháp về thuế? Đại diện Cục thuế cho biết: "Về vấn đề này, PV làm việc với Chi cục thuế Sông Lô, đây là cơ quan quản lý trực tiếp các doanh nghiệp. Cục thuế sẽ giới thiệu xuống (điện thoại trước) để PV làm việc".
Liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Văn Nghiêm, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sông Lô để trao đổi, PV được ông Nghiêm cho biết: “Từ giờ đến 30/06 tôi rất bận, kín lịch hết rồi, mời PV sang tháng 7 thì làm việc. Còn các anh thích viết gì thì cứ viết, phóng sự hay phản ánh tùy các anh. Doanh nghiệp nào sai thì các anh viết”.
Theo nguồn tin được biết, trong buổi làm việc gần đây của ông Nguyễn Văn Nghiêm với Cục thuế Vĩnh Phúc, ông Nghiêm cho rằng, không phải mình không thu thuế, mà là không thể thu được thuế của các doanh nghiệp này.
Nếu đúng như những gì ông Nghiêm nói, rằng Chi cục thuế huyện Sông Lô không thể thu được thuế của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện trong một thời gian dài như vậy, có lẽ Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc, xa hơn nữa là Tổng cục thuế cần xem xét lại quy trình bổ nhiệm cũng như năng lực của cán bộ.
Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ trách nhiệm của Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sông Lô, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc về việc gây thất thoát ngân sách nhà nước như đã nêu trên.