Ngày 25/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở thường niên về chủ đề “Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang”.
Tham dự phiên họp có Giám đốc phụ trách điều phối, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) Ramesh Rajasingham, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ông Robert Mardini, Chủ tịch Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC) ông David Miliband, cùng đại diện gần 70 nước thành viên Liên hợp quốc.
Dân thường tiếp tục chiếm phần lớn thương vong trong xung đột vũ trang
Tại phiên họp, các diễn giả nêu đậm quan ngại về việc trong thời gian gần đây dân thường tiếp tục chiếm phần lớn thương vong trong xung đột vũ trang, với hơn 11.000 người thiệt mạng trong năm 2021 và hơn 84 triệu người bị mất nhà cửa.
Các diễn giả nhấn mạnh cũng các xu hướng đáng lo ngại khác như tình trạng mất an ninh lương thực và khủng hoảng kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine; vấn đề bạo lực tình dục trong xung đột; việc dân thường bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, cũng như sự gia tăng các vụ tấn công hoặc cản trở nhân viên nhân đạo.
Các diễn giả kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế hỗ trợ thúc đẩy giải pháp hòa bình đối với các xung đột, đồng thời bảo đảm nghĩa vụ của các bên trong xung đột về tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn viện trợ nhân đạo và xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch ICRC cho rằng, Hội đồng Bảo an nên thảo luận sâu rộng hơn về vấn đề bảo đảm tiếp cận nhân đạo trong xung đột.
Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ quan ngại về các khó khăn trong nỗ lực bảo vệ thường dân trong xung đột, cho rằng Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực, có hành động thiết thực hơn nhằm giảm thiểu thương vong dân thường, quan tâm xử lý các thách thức cấp bách hiện nay như nạn đói do xung đột gây ra.
Nhiều nước cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân.
Việt Nam kêu gọi thúc đẩy nỗ lực bảo vệ dân thường trong xung đột
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, cộng đồng quốc tế đang đứng trước những thách thức lớn đối với bảo vệ thường dân như chiến tranh, xung đột diễn ra ở nhiều nơi với quy mô lớn; đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa bàn xung đột. Những vấn đề vốn đã kéo dài nay lại càng phức tạp hơn do hệ quả của những khủng hoảng mới, nhất là về an ninh lương thực và đứt gãy các chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh đó, nguồn lực dành cho bảo vệ thường dân gặp nhiều thách thức do nguồn viện trợ quốc tế bị giảm thiểu, viện trợ cho nhiều địa bàn khó khăn lâu nay có nguy cơ sụt giảm do quốc tế, Liên hợp quốc phải dành nguồn lực cho các vấn đề phức tạp mới.
Đại sứ Việt Nam cho rằng, trước tình hình trên, điều quan trọng hàng đầu là cần thực sự coi trọng bảo vệ thường dân trong xung đột, thúc đẩy các bên xung đột tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế, trong đó có Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an và thúc đẩy việc bảo đảm chủ quyền, trách nhiệm hàng đầu của các quốc gia trong bảo vệ thường dân.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp cấp bách, tăng cường viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu của các nước, các cộng đồng để thích ứng với các thách thức an ninh, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Về dài hạn, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh việc cần thúc đẩy giải quyết, ngăn ngừa xung đột, trên cơ sở tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc, các quốc gia, các tổ chức khu vực và khu vực tư nhân.
Đại sứ đánh giá tích cực việc Hội đồng Bảo an đã quan tâm nhiều hơn về các khía cạnh cụ thể của chủ đề bảo vệ thường dân, đồng thời mong muốn Hội đồng Bảo an tiếp tục đi sâu thảo luận, đề ra các biện pháp cụ thể về các vấn đề như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bom mìn, bảo đảm tiếp cận nhân đạo không bị cản trở....
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, Việt Nam thấu hiểu hậu quả của chiến tranh và chia sẻ những mất mát và hệ quả của xung đột vũ trang đối với người dân, và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về bảo vệ thường dân trong xung đột.
Chủ đề “Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang” là một chủ đề lớn trong Chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an đã có nhiều biện pháp, cơ chế cụ thể nhằm đề cao tầm quan trọng của vấn đề này trong bối cảnh người dân tiếp tục hứng chịu nhiều hậu quả trong xung đột.
Nhiều khía cạnh cụ thể đã được đi sâu thảo luận như bảo vệ các cơ sở y tế, giáo dục, lồng ghép trách nhiệm bảo vệ thường dân trong hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết 2573 của Hội đồng Bảo an (được thông qua vào tháng 4/2021) về bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với sự sống của người dân.
Nghị quyết được đánh giá cao và ủng hộ rộng rãi do có nhiều nội dung thực chất, tích cực, nêu trúng một lĩnh vực rất bức thiết đối với người dân trong xung đột, qua đó Nghị quyết được hơn 60 nước thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ, trong đó có tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
Báo cáo năm 2022 của Tổng thư ký Liên hợp quốc (công bố đầu tháng 5/2022) về vấn đề bảo vệ thường dân trong xung đột đã nêu nhiều nội dung cụ thể về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong một số xung đột trên thế giới.