Tại Peru dù có nhiều người tìm thấy vàng và trở nên giàu có, nhưng cơn sốt này cũng đi kèm với nhiều vấn đề, bao gồm nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, biến động xã hội, xung đột và tác động tiêu cực đến cộng đồng bản địa.
Cơn sốt vàng ở Peru
Trong lịch sử, cơn sốt vàng ở Peru diễn ra vào giữa thế kỷ 19, đặc biệt là từ khoảng năm 1848 đến năm 1855. Nó là một phần của cơn sốt vàng toàn cầu bắt đầu từ California vào năm 1848, khiến nhiều người đổ xô tới vùng đất có vàng để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Hiện nay, khi giá vàng neo cao, nhiều người với công cụ lao động thô sơ sẵn sàng đối mặt với điều kiện sống và làm việc tồi tệ lao vào rừng Amazone tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Tại Peru, vàng được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực như các vùng núi Andes và các con sông chảy qua khu vực Amazon. Cơn sốt vàng đã thu hút hàng ngàn người dân từ cả trong nước và quốc tế, bao gồm cả những người từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngày 6/5, chính phủ Peru đã giao cho quân đội nhiệm vụ giành lại quyền kiểm soát một khu vực giàu khoáng sản ở vùng cao nguyên phía Bắc đất nước sau khi 13 thợ đào vàng bị bắt cóc và sát hại. Quân đội trước đây hỗ trợ cảnh sát ở tỉnh Pataz hiện sẽ nắm quyền kiểm soát an ninh, Tổng thống Peru Dina Boluarte cho biết. Hoạt động khai thác trong khu vực sẽ bị đình chỉ trong 30 ngày.
Bà đưa ra tuyên bố sau khi 13 thi thể được phát hiện trong một hầm mỏ vào cuối tuần khi các nhóm tội phạm gia tăng làn sóng khủng bố nhằm giành quyền kiểm soát việc khai thác kim loại quý trong khu vực. Những người bị sát hại là bảo vệ tại một mỏ nhỏ - nhà thầu của Compania Minera Poderosa, một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất Peru. Ít nhất 39 công nhân đã thiệt mạng trong những năm gần đây tại tỉnh Pataz.
Vụ thảm sát khiến chính quyền phải tăng cường nỗ lực trong việc ứng phó với các băng đảng bạo lực khai thác vàng bất hợp pháp vào thời điểm giá vàng tăng cao kỷ lục. Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Pataz ngay cả sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố hơn 1 năm trước. Ngày nay, người ta cho rằng vẫn còn khoảng 50.000 người làm nghề khai thác vàng bất hợp pháp, chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế địa phương.
Những nỗ lực phục hồi
Khu vực rừng mới trồng ở Pataz có sự đa dạng sinh học của Amazon, với rất nhiều loài khác nhau đến nỗi người ta có thể đi hàng mẫu đất mà không thấy một loài nào giống loài nào. Tuy vậy, khu rừng non này không mọc lên một cách tự nhiên. Nó đã được con người tái tạo cẩn thận trong một khu vực mà chỉ mới 3 năm trước vẫn là một khu vực trơ trụi và bị ô nhiễm nặng nề.
Vùng đất này đã bị những người thợ mỏ đào bới để tìm những hạt vàng nhỏ, sử dụng thủy ngân để tách vàng. Nhiều người nghĩ rằng một khu rừng sẽ không bao giờ phát triển một cách khỏe mạnh trên lớp đất mặt nghèo nàn, chứa đầy thủy ngân như vậy, và rằng những đống chất thải từ cát, chất thải từ hoạt động khai thác vàng cũng như các đầm nước thải là không thể khắc phục được. Trong khi đó, thủy ngân - kim loại lỏng đã ngấm vào hệ sinh thái, bao gồm cả các con sông và gây ra tình trạng ngộ độc thủy ngân mãn tính ở người dân địa phương.
Sự tàn phá môi trường do những người khai thác vàng gây ra ở khu vực rừng Amazon Peru này đã là vấn đề quốc tế quan tâm trong nhiều năm. Nó đạt đến đỉnh điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và suy thoái toàn cầu sau đó. Giá vàng tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm cách mua kim loại quý này, nhiều người cho rằng đây sẽ là khoản đầu tư an toàn hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Điều đó đã gây ra một cơn sốt vàng hỗn loạn, bất hợp pháp ở đây khi mà hàng ngàn người Peru nghèo đói, chủ yếu từ vùng núi Andes, đổ xô đến để “đào tung” đất và lòng sông ở khu vực rừng rậm này để tìm trầm tích giàu vàng trôi xuống từ những ngọn núi ở phía Tây. Theo một nghiên cứu năm 2018 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Wake Forest, gần 250.000 mẫu Anh của khu vực rừng Amazon thuộc Peru đã bị phá hủy.
Giáo sư William Pan, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học Duke, người đã nghiên cứu tác động của ngộ độc thủy ngân ở Peru cũng như ở Ecuador, Guyana và Ghana, cho biết quá trình khắc phục sự ô nhiễm này sẽ mất nhiều thời gian. Giáo sư Pan cho biết, ý tưởng về việc rừng tái sinh có thể hấp thụ thủy ngân "có ý nghĩa về mặt sinh học" nhưng cần phải được thử nghiệm thêm. "Ngộ độc thủy ngân là một vấn đề lớn ở Peru. Chúng ta đang chứng kiến cả một thế hệ bị ảnh hưởng bởi điều này", ông nói. "Cần phải làm điều gì đó ngay lập tức".
Tại Peru khai thác khoáng sản là một ngành công nghiệp quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức và cần được quản lý một cách bền vững để đảm bảo phát triển kinh tế mà không làm tổn hại đến môi trường và các cộng đồng địa phương. Hiện nay, chính phủ Peru đang cố gắng cải thiện quản lý và quy định trong ngành khai thác khoáng sản, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo quyền lợi cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.