Nghị quyết về quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an được nhất trí thông qua

Nhật Minh| 27/04/2022 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 26/4, 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết (veto) nhằm yêu cầu 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an phải giải trình khi họ sử dụng tới quyền phủ quyết đầy quyền lực để cản trở các quyết định của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết do Liechtenstein đề xuất được gần 100 nước ủng hộ và bảo trợ, trong đó có Mỹ, một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, trước khi được đưa ra Đại hội đồng lấy ý kiến.

un-mulls-limiting-veto-power-.jpg
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Được biết, một trong những điểm cốt lõi của nghị quyết này là Đại hội đồng sẽ có quyền họp phiên toàn thể thảo luận về vấn đề mà một hay nhiều nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết để cản trở Hội đồng Bảo an ra nghị quyết liên quan. Phiên họp đó của Đại hội đồng sẽ được tiến hành trong vòng 10 ngày kể từ khi quyền phủ quyết được đưa ra.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù không thay đổi được quyền phủ quyết của các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, nhưng nghị quyết này được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch của Hội đồng Bảo an, đồng thời buộc các nước có quyền phủ quyết phải thận trọng hơn khi sử dụng tới quyền lực này.

Kể từ năm 1946 tới nay, quyền phủ quyết của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đã được sử dụng 295 lần, trong đó Nga là nước sử dụng quyền này nhiều nhất với 143 lần. Trong cơ chế hiện nay của Liên hợp quốc, chỉ cần một trong 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an dùng tới quyền phủ quyết thì Hội đồng Bảo an không thể ra được quyết sách gì cho dù đối với vấn đề khẩn cấp.

Quyền phủ quyết (veto) là việc một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác, thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành. Nói cách khác, đây là việc thực hiện nguyên tắc nhất trí giữa năm nước ủy viên thường trực.

Quyền phủ quyết bắt nguồn từ Điều 27 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ:

1. Mỗi thành viên của Hội đồng Bảo an sẽ có một phiếu bầu.

2. Quyết định của Hội đồng Bảo an về các vấn đề thủ tục sẽ được đưa ra bằng một cuộc bỏ phiếu khẳng định của năm thành viên.

3. Quyết định của Hội đồng Bảo an về tất cả các vấn đề khác sẽ được đưa ra bằng một cuộc bỏ phiếu khẳng định của chín thành viên bao gồm cả phiếu bầu đồng tình của các thành viên thường trực; với điều kiện, trong các quyết định theo Chương VI, và theo khoản 3 của Điều 52, một bên tranh chấp sẽ không tham gia bỏ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết về quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an được nhất trí thông qua