Vấn đề Ukraine: Hội đồng Bảo an biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng

Nhật Minh| 27/02/2022 09:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội đồng Bảo an biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng Liên hợp quốc; Bị nhiều nước đóng cửa không phận, Nga đáp trả; Nga nối lại chiến dịch quân sự đặc biệt sau khi Ukraine từ chối đàm phán…

Hội đồng Bảo an biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng Liên hợp quốc

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến triệu tập một cuộc họp vào chiều 27/2 (theo giờ địa phương) để biểu quyết về một nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

hoi-dong-bao-an-ukraine.jpg
Hội đồng Bảo an biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề Ukraine

Theo quy định, nghị quyết sẽ chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 9 trong tổng số 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an để được thông qua và không quốc gia ủy viên thường trực nào được phép phủ quyết việc triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng.

Dự kiến cuộc họp Hội đồng Bảo an sẽ diễn ra vào 3h chiều 27/2, theo yêu cầu của Mỹ và Albania.

Nếu nghị quyết đề xuất được Hội đồng Bảo an thông qua, theo quy định, phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ phải được tổ chức trong vòng 24 giờ.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết về vấn đề Ukraine sau phiên họp đặc biệt.

Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc.

Cũng do tình hình tại Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hủy chuyến đi đến Geneva (Thụy Sĩ) để phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong ngày 28/2 và ở lại New York.

Bị nhiều nước đóng cửa không phận, Nga đáp trả

Truyền thông Đức đưa tin chính phủ nước này thông báo sẽ đóng không phận với máy bay dân sư Nga, trong bối cảnh các quốc gia vùng Baltic cùng một số nước khác cũng đã có động thái tương tự.

Trong bối cảnh tình hình Ukraine ngày càng trở nên căng thẳng, Bộ Giao thông vận tải Đức tối 26/2 thông báo Bộ trưởng Giao thông vận tải nước này Volker Wissing đã chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng để đóng không phận Đức với máy bay Nga. Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy máy bay Đức cũng không còn được phép bay trong không phận Nga.

Hiện đã có ít nhất 2 máy bay của hãng Lufthansa phải bay trở lại, trong khi Lufthansa tuyên bố muốn tránh không phận Nga trong 7 ngày tới. Thông báo của Lufthansa nêu rõ hãng không thể sử dụng không phận Nga do "tình hình hiện tại và những điều chỉnh mới".

lufthansa.jpg
Ảnh minh họa

Theo đó, các chuyến bay tới Nga sẽ bị đình chỉ trong thời gian này và những máy bay hiện đang trong không phận Nga sẽ nhanh chóng rời khỏi Nga. Lufthansa sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế, nhấn mạnh rằng "sự an toàn của hành khách và thành viên phi hành đoàn luôn là ưu tiên hàng đầu".

Trước đó, hãng hàng không KLM, công ty con tại Hà Lan thuộc tập đoàn Air France-KLM, cũng thông báo tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Nga trong 7 ngày. Động thái này được cho là phù hợp với các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Tờ Spiegel cũng đưa tin các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng sẽ đóng không phận với máy bay Nga. Lệnh cấm sẽ được áp dụng đồng thời và vô thời hạn với những máy bay được vận hành bởi các hãng hàng không có giấy phép do Nga cấp, ngoại trừ các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp hoặc chuyến bay nhân đạo.

Cụ thể, Chính phủ Litva đã thông báo cấm các hãng hàng không của Nga sử dụng không phận quốc gia Baltic này kể từ 22h ngày 26/2 theo giờ GMT (5h sáng 27/2 theo giờ Hà Nội) để phản ứng việc Moskva tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Ukraine.

Litva là tuyến bay ngắn nhất từ nội địa Nga tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Moskva nằm kẹp giữa hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Litva và Ba Lan trên bờ phía Đông của Biển Baltic.

Trước đó, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Bulgaria cũng đã đóng không phận với máy bay Nga. Một nhà ngoại giao EU nói với hãng tin Đức DPA rằng các nước EU khác dường như cũng sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay Nga.

Tương tự, Romania thông báo cấm các hãng hàng không của Nga vào không phận của mình, qua đó gia nhập vào danh sách các nước tại Trung Âu đưa ra hành động tương tự sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại vùng Donbasss (miền Đông Ukraine).

Trong động thái đáp trả, Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga Rosaviation thông báo Nga sẽ đóng không phận với các chuyến bay của các hãng hàng không của Latvia, Litva, Estonia, và Slovenia và/hoặc đăng ký tại các nước này từ ngày 27/2, kể cả các chuyến bay quá cảnh.

Theo đài RT (Nga), ngày 26/2 Moscow đã ra lệnh đóng cửa không phận của mình đối với các hãng hàng không chở khách thuộc sở hữu hoặc đăng ký ở Ba Lan, Cộng hòa Czech và Bulgaria. Động thái này được đưa ra sau khi ba quốc gia châu Âu cấm các chuyến bay của Nga trên lãnh thổ của họ, với lý do xung đột ở Ukraine.

Cơ quan hàng không nhà nước Nga cho biết lệnh cấm có hiệu lực từ 15h cùng ngày theo giờ Moscow, với lý do "các quyết định không thân thiện" của Warsaw, Prague và Sofia.

Nga nối lại chiến dịch quân sự đặc biệt sau khi Ukraine từ chối đàm phán

Ngày 26/2, Điện Kremlin cho biết quân đội Nga đã nối lại các hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi chính quyền Kiev từ chối đàm phán.

Theo Tass, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng :“Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/2 đã ra lệnh ngừng đà tiến quân của binh sĩ Nga tại Ukraine với mong đợi các cuộc đàm phán với ban lãnh đạo tại Kiev. Do phía Ukraine đã từ chối đàm phán, các lực lượng chủ lực của Nga sau đó đã nối lại chiến dịch như kế hoạch”.

Trong khi đó, phát biểu với truyền thống ngày 26/2, Tổng thống Zelensky tuyên bố quân đội Ukraine không hạ vũ khí và sẽ bảo vệ đất nước, đồng thời khẳng định ông vẫn ở Kiev.

Trong đoạn video ghi hình với khung cảnh đằng sau là Phố Bankovaya gần Văn phòng Tổng thống Ukraine ở Kiev, ông Zelensky nói: “Có nhiều thông tin giả mạo trên mạng vào thời điểm này, theo đó cho rằng tôi kêu gọi quân đội hạ vũ khí và một cuộc sơ tán sắp xảy ra. Hãy nghe tôi nói: Tôi đang ở đây (thủ đô Kiev) và chúng tôi sẽ không hạ vũ khí, chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình”.

Cùng ngày, Ukraine đã phủ nhận các thông tin cho rằng họ từ chối đàm phán ngừng bắn với Nga, nhưng cho biết Kiev cũng không sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư hoặc các điều kiện không thể chấp nhận được.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nêu rõ Ukraine đã chuẩn bị cho một cuộc đàm phán nhưng phải đối mặt với các điều kiện đàm phán không thực tế từ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề Ukraine: Hội đồng Bảo an biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng