Ngày 20/12, Hội đồng Bảo an đã tiến hành các cuộc họp liên quan đến vấn đề Syria, tình hình nhân đạo tại Ethiopia, và bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 2612 gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO).
LHQ sẵn sàng triệu tập phiên họp thứ 7 của Ủy ban Hiến pháp Syria
Ngày 20/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp về tình hình Syria với sự tham dự của đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Geir Pedersen và Phó Tổng Thư ký phụ trách nhân đạo Martin Griffiths về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo.
Báo cáo trước HĐBA, đặc phái viên Pedersen nói rõ ông và nhóm của ông đã tích cực làm việc với đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập để thúc đẩy triệu tập phiên họp thứ 7 của Ủy ban Hiến pháp.
Ông Pedersen cho biết, tuần trước, ông Pedersen đã đến Damascus và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria và đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp do Chính phủ Syria đề cử.
Trước đó, trong tháng 10 và tháng 11, cấp phó của ông đã hai lần đến Damascus để tham vấn về một phiên họp mới và có cuộc hội đàm với đồng Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp do phe đối lập Syria đề cử tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, phiên họp vào tháng 10 đã thất bại do các đồng chủ tịch không thể thống nhất về các cơ chế để tiến hành thêm các cuộc thảo luận về các văn bản hiến pháp được đề xuất. Hai bên cũng không thống nhất được thời gian cho các phiên họp tiếp theo.
Theo ông Pedersen, tình hình tại Syria trong năm nay nghiêm trọng hơn năm ngoái khi đất nước tiếp tục bị chia cắt, nền kinh tế chìm trong suy thoái và đói nghèo. Đáng lo ngại hơn có tới 14 triệu người dân cần hỗ trợ nhân đạo, mức cao nhất kể từ khi cuộc xung đột bùng phát tại quốc gia Trung Đông này và 13 triệu người phải di tản trong và ngoài nước.
Đặc phái viên Pedersen cho biết đang tích cực thúc đẩy sự tham gia của các đối tác quốc tế, các nước khu vực nhằm từng bước tìm giải pháp phù hợp trước tình hình bế tắc trong thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria trên cơ sở Nghị quyết 2254 của HĐBA.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, đặc phái viên Pedersen đã nhận thấy tiến bộ có thể đạt được trên mặt trận chính trị. Theo ông, tình trạng bế tắc trên thực địa tới nay đã kéo dài gần hai năm nay và việc không bên nào đạt được lợi thế đã cho thấy giải pháp quân sự là không khả thi đối với tình hình Syria hiện nay.
Đặc phái viên LHQ về Syria hi vọng đây là thời điểm để các bên cân nhắc về sự thỏa hiệp chính trị, mở ra cơ hội cho những bước đi vào năm 2022, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 2254 của HĐBA về lộ trình giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, bao gồm cả cải cách hiến pháp.
Đặc phái viên LHQ về Syria Geir Pedersen khẳng định sẵn sàng triệu tập một phiên họp mới của Ủy ban Hiến pháp ngay khi các bên đạt được sự đồng thuận. Ủy ban Hiến pháp có nhiệm vụ soạn thảo bản hiến pháp mới cho quốc gia Trung Đông này.
Việt Nam quan ngại về tình hình Syria
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký Griffiths cho rằng tình hình nhân đạo ngày một xấu đi tại Syria do tác động của bất ổn, khủng hoảng kinh tế và diễn biến phức tạp của COVID-19. Ông cũng cập nhật về việc thực hiện Nghị quyết 2585 liên quan tới việc triển khai kênh viện trợ liên tuyến trong nội địa tới khu vực Tây Bắc và việc hỗ trợ hồi phục hậu xung đột tại Syria.
Chia sẻ quan ngại với các nước ủy viên HĐBA về tình hình ngày một khó khăn của người dân Syria sau gần 11 năm khủng hoảng, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh việc cần tăng cường nỗ lực nhằm giải pháp chính trị tại Syria, tận dụng tình hình an ninh đang ở giai đoạn ổn định dài nhất kể từ khi bắt đầu xung đột năm 2011.
Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi các bên đối thoại mang tính xây dựng và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình này. Đại sứ kêu gọi tăng cường hỗ trợ nhân đạo, bên cạnh đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược hỗ trợ hồi phục hậu xung đột một cách toàn diện nhằm bảo đảm khả năng tự lực của người dân Syria.
Trong khi đó, ngày 21/12, đặc phái viên của Nga về Syria, ông Alexander Lavrentiev, bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các nhóm khủng bố ở Syria.
Dự kiến, trong ngày 21/12, sẽ diễn ra vòng hòa đàm theo định dạng Astana để giải quyết vấn đề Syria tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của đại diện Nga, Chính phủ Syria, phe đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các nước khác. Tại vòng hòa đàm lần này, dự kiến phía Nga và các đối tác sẽ thảo luận về tình hình cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria.
HĐBA thông qua Nghị quyết gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Congo
Cùng ngày 20/12, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2612 gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO) với 15/15 phiếu thuận, gia hạn nhiệm vụ cho MONUSCO thêm 12 tháng, giữ mức trần nhân sự gồm 13.500 lính, 591 cảnh sát, hơn 1.600 quan sát viên quân sự và nhân viên khác.
Nhiệm vụ chính của MONUSCO được duy trì trong các lĩnh vực bảo vệ thường dân, hỗ trợ chính quyền CHDC Congo tăng cường vai trò nhà nước, cải cách lĩnh vực an ninh. Nghị quyết cũng ủng hộ kế hoạch điều chỉnh hoạt động của MONUSCO trên thực địa, theo đó rút dần tại một số địa bàn tình hình an ninh đã cải thiện và củng cố hiện diện ở ba tỉnh miền Đông gồm Ituri, Bắc và Nam Kivu – nơi tình hình còn phức tạp do hoạt động của các nhóm vũ trang.
HĐBA tham vấn về tình hình nhân đạo Ethiopia
Trong ngày 20/12, HĐBA cũng tham vấn về tình hình nhân đạo Ethiopia với sự tham dự của Phó Tổng Thư ký LHQ Martin Griffiths và báo cáo tại cuộc họp.
Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh thông báo cùng ngày về việc lực lượng Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray (TPLF) đã rút quân khỏi khu vực Amhara và Afar.
Đại sứ bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh ngày một xấu đi tại Tigray, Amhara, Afar và một số khu vực khác của Ethiopia, cũng như việc gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và hoạt động nhân đạo.
Đại sứ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan LHQ, trong đó có Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Văn phòng Điều phối nhân đạo LHQ và các đối tác quốc tế khác, trong hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại nước này.
Đồng thời, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Phi (AU), giúp đỡ các bên thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hỗ trợ nhân đạo cho Ethiopia.