Ngày 24/11 tại New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thảo luận về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an tại phiên họp định kỳ hàng năm về đề mục Vấn đề Đại diện công bằng và Tăng thành phần Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tham gia cuộc họp có trên 170 nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó có trên 70 nước phát biểu.
Đa số các phát biểu cho rằng, cần thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an, thực hiện cam kết của các nguyên thủ tại phiên cấp cao Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc năm 2020 về tạo sức sống mới cho thảo luận về cải tổ Hội đồng Bảo an.
Đặc biệt khi số thành viên Liên hợp quốc đã tăng từ 118 lên 193 như hiện nay, kể từ khi Hội đồng Bảo an cải tổ lần cuối năm 1963.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần cụ thể hóa hơn nữa 5 nội dung chính của cải tổ, đặc biệt về các vấn đề các loại thành viên, đại diện khu vực, quyền phủ quyết, quan hệ giữa Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an.
Đồng thời cũng sẽ cải thiện về phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, nhằm tăng cường tính đại diện công bằng giữa các khu vực, nhất là nhóm châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh và các nước đang phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ cải tổ nhằm đảm bảo tính đại diện, dân chủ, minh bạch và hiệu quả của Hội đồng Bảo an.
Cụ thể, Việt Nam ủng hộ mở rộng cả số thành viên thường trực và không thường trực, bảo đảm sự đại diện công bằng cho các nhóm khu vực. Đặc biệt là đối với các nhóm nước chưa có đại diện hoặc ít đại diện và các nước đang phát triển.
Đại sứ nhấn mạnh thảo luận cần bảo đảm tập trung, hiệu quả, cần cập nhật, phản ánh đầy đủ quan điểm các nước vào các văn kiện kết quả cuộc họp. Cũng như việc cần trao đổi cởi mở, chân thành, tôn trọng lẫn nhau, thu hẹp các bất đồng để thúc đẩy cải tổ.
Kể từ khi thành lập năm 1945, Hội đồng Bảo an đã cải tổ lần một năm 1965 với số lượng thành viên không thường trực tăng từ 6 lên 10 nước.
Năm 1998, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết số 47/62 bắt đầu thảo luận về đề mục trên và năm 2008 có quyết định số 62/557 về Tiến trình đàm phán liên chính phủ (IGN) để bắt đầu thảo luận các nội dung chi tiết về đề mục này.