Luật Tổ chức TAND 2002 đã hoàn thành sứ mệnh

Tống Toàn| 24/10/2014 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán & Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002, hệ thống Tòa án đã từng bước được kiện toàn, phát triển cả về tổ chức và hoạt động.

Nhưng quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết khiến việc sửa đổi luật này là hết sức cần thiết.

Còn nhiều chồng chéo 

Có thể nói, trong những năm qua, đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 cho thấy hệ thống Tòa án ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập cả về tổ chức và hoạt động. Nhìn chung, tổ chức và hoạt động của các Tòa án chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền. Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các Tòa án còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở các Tòa án cấp huyện. Những khiếm khuyết, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, một mặt làm hạn chế vai trò và sự phát triển, tiến bộ của cơ quan Tòa án với tư cách là một thiết chế cơ bản trong việc thực hiện quyền lực tư pháp của quốc gia; mặt khác, gây ra những bức xúc, đòi hỏi của Nhà nước và xã hội trong việc củng cố, kiện toàn cơ quan Tòa án. 

Luật Tổ chức TAND 2002 đã hoàn thành sứ mệnh

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phát biểu tại Hội thảo góp ý vào Dự thảo Luật

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp; việc phân định thẩm quyền của các cấp Toà án còn chồng chéo và bất cập. Đáng lưu ý là việc pháp luật quy định chưa rõ ràng về địa vị pháp lý của TANDTC dẫn đến hệ thống TAND chưa phải là một hệ thống cơ quan thực hiện một trong những quyền lực Nhà nước, đó là quyền tư pháp. Từ đó, việc xử lý các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án, chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ, công chức Tòa án còn nhiều bất cập, không tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó, Tòa án được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.

Mốc son mới

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó quy định TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo quy định của Hiến pháp mới, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND, về Thẩm phán TAND đã được bổ sung, sửa đổi. Đây là những nội dung lớn, cần được cụ thể hóa trong Luật tổ chức TAND (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

Do đó, TANDTC nhận định, việc ban hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) phải đạt được các mục tiêu sau: Trước tiên, luật đó phải thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án. Bên cạnh đó, luật phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND.

Không những thế, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ tạo cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ đó, hệ thống TAND sẽ kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xét xử. Bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực...

Có thể nói, việc xác định rõ ràng, đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là vấn đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện có hiệu quả vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền theo quy định của Hiến pháp. Đây cũng là cơ chế pháp luật để tổ chức thực hiện nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đồng thời, là công cụ pháp lý để cá nhân, tổ chức bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tổ chức TAND 2002 đã hoàn thành sứ mệnh