Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Huy Hùng| 07/07/2016 16:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù còn ý kiến nghi ngại trồng cây gì, ở đâu nhưng rõ ràng, Hà Nội đã có sự quan tâm nhất định đến môi trường cây xanh ở Thủ đô và lãnh đạo thành phố đang cố gắng phủ xanh đường phố Thủ đô vốn vắng bóng cây xanh trên các tuyến đường nhiều năm qua.

Phủ xanh đường phố Thủ đô bằng cây xanh

Thời gian gần đây, khi đi trên một số tuyến đường như Láng Hạ, Tây Sơn, Xã Đàn, Giải Phóng… nhiều người dân Hà Nội tỏ ra lạ lẫm khi thấy những cây phượng có bán kính lớn từ 20-30cm, cao 4-5m được trồng thành hàng dài trên dải phân cách giữa hai làn đường.

Ngay sau khi hàng phượng được trồng, rất nhiều người tỏ ra hào hứng và phấn khởi, đặc biệt là những người thường xuyên đi qua tuyến đường này. Họ hy vọng những cây phượng sẽ góp phần tạo nên một không gian và cảnh quan mới cho những tuyến đường tại đây, phủ bóng mát trong mùa hè nắng nóng.

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Những cây phượng có bán kính lớn từ 20-30cm, cao 4-5m được trồng thành hàng dài trên dải phân cách giữa hai làn đường trên nhiều tuyến phố

“Tuy chỉ vừa mới trồng được ít ngày nhưng một số cây đã bén rễ, trổ lộc non. Hy vọng sang năm con đường này sẽ rợp bóng mát”, bà Hoa, một người dân sinh sống tại khu vực Xã Đàn cho biết.

Theo quan sát của PV, trên những tuyến đường hai bên mặt cắt rộng có các cây phượng được trồng với khoảng cách 7m/cây. Các thân cây được cắt tỉa gọn gàng và được làm các chân chống đỡ để đứng vững, không bị xiêu vẹo. Mỗi thân cây được cuốn vải giữ cho nhiệt độ ổn định, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường trong những ngày hè nắng lửa.

Trước đó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang tích cực xây dựng đề án, trước mắt giai đoạn 2016 - 2020 sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh, chủ yếu phát triển trên các tuyến phố cũ, các tuyến đường mới, trong các công viên cũ và mới.

Cụ thể, đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm (như cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 cũ, đường 6, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); hệ thống đường vành đai: Vành đai 1; vành đai 2; vành đai 2,5; vành đai 3; vành đai 3,5.

Đồng thời, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 25 công viên mới, trong đó từ đầu năm 2016 đến nay đã khởi công 5 công viên mới và thời gian tới sẽ tiếp tục. Ngoài ra, thành phố sẽ trồng cây xanh trong tất cả các cơ quan, trường học.

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Các cây phượng được trồng với khoảng cách 7m/cây. Các thân cây được cắt tỉa gọn gàng và được làm các chân chống đỡ để đứng vững, không bị xiêu vẹo

Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay thành phố đang giao cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và một số công ty khảo sát trồng cây xanh trên tất cả các dải phân cách giữa. Sau khi trồng cây xong sẽ cắt toàn bộ tiền duy tu, duy trì vườn hoa cây cảnh ở trên các dải phân cách này.

Trồng phượng ở dải phân cách đã được tính toán kỹ

Trước sự việc hàng loạt cây xanh được trồng mới trên các tuyến phố, một số chuyên gia về cây trồng cho biết, thời điểm giữa tháng 6 nắng nóng này chưa phải là thời điểm thích hợp để trồng cây. Đồng thời việc trồng cây giữa dải phân cách và lựa chọn loại cây phượng vỹ vốn được coi là loại rất dễ gãy cành vào mùa mưa bão cũng đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề an toàn giao thông.

Trả lời báo chí, theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, phượng là một loại cây lâu năm và đã được trồng ở nhiều thành phố, đặc biệt ở Hải Phòng được trồng rất nhiều, cho nên việc Hà Nội lựa chọn trồng phượng cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ, vị chuyên gia này cho rằng, việc trồng loại cây này ở dải phân cách thì chưa phù hợp vì nhiều yếu tố bất lợi.

“Cây phượng có bộ rễ rất lớn, nó cần có một không gian đất rộng, trong khi đó vùng dải phân cách có những biến động theo thời gian, có thể là mở rộng đường hoặc là làm đường điện trên cao, dưới đất... Đó là nơi chưa ổn định lâu dài cho nên việc trồng cây to, lâu năm tôi nghĩ không phù hợp, trừ trường hợp dải phân cách đó khẳng định được là lâu dài. Khi nào nhà quy hoạch khẳng định rằng không có chuyện gì làm thay đổi dải phân cách đó thì mới có thể trồng được, nhưng ít khi nhà quy hoạch mà có thể khẳng định được”, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng cho biết.

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Phượng được trồng nhiều trên tuyến đường vành đai ven sông Tô Lịch vào năm 2010, tạo cảnh quan đẹp vào mùa hè

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội cho biết, để tăng diện tích cây xanh trên đầu người, cũng như thực hiện mục tiêu đến năm 2020, trồng thêm 1 triệu cây xanh, thành phố Hà Nội đã tiến hành trồng trên 300 cây phượng tại dải phân cách giữa trên một số tuyến phố như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Kim Liên, Hoàng Cầu…

Ông Hưng cũng cho rằng, việc tiến hành trồng cây ở dải phân cách giữa 2 làn đường không phải lần đầu tiên mình thực hiện mà đã có từ thời xa xưa. Như các tuyến phố Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Giảng Võ… các cây đã được trồng ở giữa dải phân cách từ thời Pháp thuộc. Trồng ở dải phân cách giữa còn có nhiều ưu điểm như ít công trình ngầm, do đó cây hoàn toàn có thể phát triển bình thường. “Cây phượng đang được trồng là một trong 30 loại cây nằm trong danh mục cây xanh đô thị, nên việc trồng phượng ở dải phân cách đã được cân nhắc kỹ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Có một sự khác biệt trong đợt trồng lần này so với trước là tất cả các cây đều có đường kính 20cm trở lên, to cao hơn thay vì trước đây trồng cây có đường kính 12cm. Với việc trồng cây to hơn, sẽ giúp nhanh có hoa, tỏa bóng mát, tạo cảnh quan đô thị cho Thủ đô.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Phượng là loài cây khá quen thuộc ở Thủ đô. Trước đó Hà Nội đã trồng nhiều phượng trên các tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Thanh Niên. Đặc biệt, tuyến đường vành đai hai ven sông Tô Lịch được trồng nhiều vào năm 2010, tạo cảnh quan đẹp vào mùa hè”.

Có một số ý kiến thắc mắc rằng cây phượng rất dễ gẫy gây mất an toàn giao thông vào mùa mưa bão. Tuy nhiên ông Hưng cho rằng, trước đây công việc cắt tỉa chủ yếu thực hiện khi mùa mưa bão tới gần nhưng bây giờ thành phố có chủ trương duy trì thường xuyên và cắt tỉa quanh năm. "Trồng cây phượng không phải ngày một ngày hai mà phải mất thời gian dài cây mới phát triển, xòe tán được và khi nào kiểm tra tán cây dài gây ảnh hưởng thì sẽ tiến hành cắt tỉa", ông Hưng nói.

Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố

Hy vọng những cây phượng sẽ góp phần tạo nên một không gian và cảnh quan mới cho những tuyến đường

Lý giải về việc giữa mùa hè đơn vị lại thực hiện trồng cây, ông Hưng thông tin, với ưu điểm là cây đã trưởng thành, được đôn đảo nhiều lần trong các vườn ươm, nên với thời tiết như hiện nay, việc trồng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng của cây, đảm bảo cây sống tốt. Sau khi trồng, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh phải đảm nhận chăm sóc, bảo vệ cây sống trong 5 năm tiếp theo mới được bàn giao.

Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngoài việc trồng cây ở dải phân cách giữa, tại các tuyến phố khác sẽ được đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát nếu còn chỗ để trồng cây xanh sẽ tiếp tục triển khai trồng những loại cây phù hợp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trồng cây, phủ xanh đường phố