Hiệp Hòa, Bắc Giang: Một di tích lịch sử quốc gia kêu cứu

23/08/2013 08:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lăng Dinh Hương (thôn Dinh Hương, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là một quần thể kiến trúc điêu khắc đá ong hoành tráng, độc đáo thời Hậu Lê, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1965.

Theo một số tài liệu, lăng được xây dựng từ năm 1927, trong lăng thờ và có thi hài của Quận công La Quý Hầu. Lăng đá Dinh Hương là nơi tôn vinh truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng người hay linh thú cùng đồ thờ, cũng như trang trí kiến trúc phong phú với nhiều mô típ, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam. 

 

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho biết: “Lăng Dinh Hương là biểu tượng tâm linh của thôn Dinh Hương nói riêng và cả xã Đức Thắng nói chung. Hàng năm, vào ngày mất của Quận công La Quý Hầu, dân làng đều mở hội to, thu hút hàng triệu du khách tới tham quan, vãn cảnh”. 

 

Hiệp Hòa, Bắc Giang: Một di tích lịch sử quốc gia kêu cứu

Bò gặm cỏ trong lăng

 

Tuy nhiên hiện nay, lăng Dinh Hương đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích... Theo quan sát, lăng đang rơi vào tình trạng bị bỏ hoang, không có cánh cổng, không có người trông coi. Lợi dụng bên trong lăng cây cối, cỏ mọc um tùm nên một số người thiếu ý thức đã biến thành nơi chăn thả trâu, bò. Trâu, bò được người dân thả do tự do trong lăng, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh trong khuôn viên lăng. Chưa hết, trên các bia đá, tượng voi, tượng người bị viết chằng chịt bằng bút xóa, trông rất nhếch nhác và phản cảm. Nhiều tượng bị vỡ, phải đắp lại bằng xi măng. Hệ thống tường bao xung quang bằng đá ong cũng bị một số kẻ gian lấy trộm gần hết. Trước lăng còn có một chiếc hồ rộng, gọi là hồ Lăng được kè bằng đá, nay cũng không còn lớp đá này.

 

Hiệp Hòa, Bắc Giang: Một di tích lịch sử quốc gia kêu cứu

Tấm bia đá bị một số người dùng bút xóa viết chằng chịt 

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Ban, Chủ tịch UBND xã Đức Thắng giải thích: “Năm 2008, Ban Quản lý di tích lịch sử tỉnh Bắc Giang đã hộ trợ 40 triệu đồng, thôn Dinh Hương là chủ đầu tư đứng ra xây dựng hệ thống tường bao xung quanh. Tuy nhiên, chỉ được xây một nửa do kinh phí không đủ”. Ông Ban cũng thừa nhận, do người dân không có tiền, nguồn hỗ trợ của xã còn eo hẹp nên không thể tu bổ, sửa chữa và cử người trông giữ lăng thường xuyên. 

 

Thiết nghĩ, giá trị văn hóa và ý nghĩa lịch sử của lăng Dinh Hương là rất lớn. Trong thời gian tới, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan cần lưu tâm, sớm có biện pháp tu bổ, sửa chữa sao cho  lăng Dinh Hương tương xứng với vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của nó. 

 

Mạnh Nghiệp

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp Hòa, Bắc Giang: Một di tích lịch sử quốc gia kêu cứu