“Nhà giáo đi B”, “Nhà giáo Nội đô" là những người chung tình yêu Tổ quốc, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người, họ đã vượt Trường Sơn vào Nam cầm súng chiến đấu và hoạt động âm thầm trong lòng địch để truyền bá tư tưởng cách mạng.
Tri ân những nhà giáo cầm súng, âm thầm trong lòng địch
Trước thềm kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thầy cô giáo U70-U90 có buổi họp mặt ý nghĩa tại TP.HCM. Họ chính là những "Nhà giáo đi B" và "Nhà giáo Nội đô" đã sống một thời hoa lửa, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp trồng người cao quý.
Như Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chia sẻ, ngày nay, nhắc đến cụm từ “Nhà giáo đi B” hay “Nhà giáo Nội đô” thì nhiều người không hiểu, nhất là các bạn trẻ, nhưng thực sự đó là một thời đầy hy sinh gian khổ và hết sức vẻ vang.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ: Hôm nay ngồi đây, lớp cao tuổi, nhất là quý thầy cô đã bước qua tuổi 90, phần lớn là trên dưới 80, chỉ có một số ít thầy cô trên dưới 70 tuổi - cũng là lớp người “xưa nay hiếm”.
Tất cả đều có chung tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông và sự cống hiến tận tụy đối với sự nghiệp trồng người cao quý, thực sự là những tấm gương sáng về phẩm chất nhà giáo cách mạng, góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho nền giáo dục nước nhà.
Theo Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải, từ sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.HCM đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để tri ân, ghi ơn những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu và để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này, trong đó có các thầy cô giáo đi B và thầy cô giáo hoạt động Nội đô.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số việc chưa giải quyết hết, phải tiếp tục lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thấu đáo trong thời gian tới.
"Chúng tôi, thế hệ sau, luôn biết ơn và trân trọng những gì các thầy cô đã làm cho đất nước. Những bài học quý giá về ý chí, nghị lực, sự tận tụy và lòng nhiệt huyết của các thầy cô đã và đang là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống và công tác. Chúng tôi luôn ghi nhớ và xin hứa sẽ làm hết mình để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung tay xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình", ông Hải nói.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu gửi lời tri ân đến các thầy cô đã vượt Trường Sơn để đến với miền Nam và các nhà giáo Nội đô yêu nước, hoạt động trong lòng địch.
Ông Hiếu nhấn mạnh, các thầy cô không chỉ xây dựng phong trào giáo dục, cầm súng chiến đấu bảo vệ trường lớp học mà đã góp sức mình cùng viết nên trang sử oanh liệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, thống nhất non sông.
Tinh thần, ý chí, phẩm chất và sức cống hiến bền bỉ của thầy cô đã truyền cảm hứng cho thế hệ nhà giáo trẻ hôm nay có thêm được sức mạnh, niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, làm tròn sứ mệnh trồng người mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó cho ngành GD&ĐT.
Cả đời tận tuỵ vì sự nghiệp trồng người
Nhớ lại những năm tháng trước đây, dù trong khói lửa chiến tranh nhưng những ngôi trường, lớp học được dựng tạm bằng cây rừng, vách lá vẫn mọc lên.
Ngày đêm vẫn vang vọng tiếng ê a học chữ, ráp vần như thách thức bom đạn của kẻ thù.
Người thầy giáo cũng là người chiến sĩ, vượt khó khăn để gieo chữ, truyền ngọn lửa cách mạng, tình yêu đất nước, tự hào về lịch sử dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, trong vô vàn hiểm nguy của bom đạn, biệt kích, sự càn quét ngày đêm của kẻ thù và bọn tay sai nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn phát triển, ươm mầm cho biết bao thế hệ.
Sau chiến thắng năm 1975, những thầy giáo, cô giáo đi B, có người quay trở về quê hương, có người ở lại gắn bó với TP.HCM, ở lại với ngành giáo dục thành phố, tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Rất nhiều thầy giáo, cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng; nhiều thầy giáo, cô giáo được đề bạt làm cán bộ quản lý. Dù ở cương vị nào, các nhà giáo - chiến sĩ vẫn luôn tâm huyết, cống hiến xây dựng thành phố và đất nước, phát triển giáo dục, vun đắp tài năng cho các thế hệ học sinh.
Nhiều thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, các di chứng chiến tranh để tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục.
Chia sẻ tại buổi họp mặt, nhà giáo Yến Thu tự hào khoe với đồng nghiệp về những học trò 'thành danh' của mình.
Cô Thu nhớ lại, hồi đó, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô làm đơn tình nguyện vào Nam và được phân công nhiều nhiệm vụ như về chiến khu D dạy bổ túc văn hóa, rồi dạy ở các đoàn thể như MTTQ, Phụ nữ, Công đoàn...
"Thời điểm đó toàn ở trong rừng, thấy giặc vô phải đánh để bảo vệ cơ quan, mọi người. Có những lúc nấu cơm, khói toả ra, sau mấy anh bộ đội mới nhắc múc 1 ca nước để bên bếp, nếu thấy máy bay địch thì lấy nước phun vô để lửa tắt...", cô Thu kể lại những ký ức thời chiến trận.
Đã hàng chục năm vượt Trường Sơn vào Nam nhưng khí chất trong con người nhà giáo - chiến sĩ Tố Nga vẫn không thay đổi.
"Tôi là "Nhà giáo đi B, là nhà báo, là nhà giáo đi tù... chúng tôi là tầng lớp không ngại hy sinh...", nhà giáo Tố Nga phát biểu dõng dạc tại buổi họp mặt.
Trước đây, đối tượng đi B là lực lượng vũ trang nhưng sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập (tháng 12/1960) và phong trào cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới thì đối tượng đi B được mở rộng, từ kỹ sư, bác sĩ, đến nhà giáo, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí…. đều được huy động vào Nam chiến đấu và công tác.
Việc đi B hoàn toàn bí mật, do Ủy ban Thống nhất Trung ương quản lý và cán bộ đi B phải gửi lại tư trang, hồ sơ, kỷ vật và toàn bộ sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn, ảnh gia đình, nhật ký.
Trong giai đoạn từ năm 1961 - 1973, đã có 10 chuyến đi B với hơn 2.700 thầy cô giáo rời bục giảng các trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc vượt Trường Sơn vào miền Nam, được phân công về các chiến trường trọng yếu, từ miền Trung - Tây Nguyên đến Đông - Tây Nam Bộ và đã trở thành những “nhà giáo cầm súng”.
Các thầy cô, nhiều người còn rất trẻ, vừa dạy học và tham gia gây dựng nền giáo dục giải phóng trong các chiến khu, vùng căn cứ, vừa tăng gia sản xuất và trực tiếp cầm súng chiến đấu, chống càn. Họ thường xuyên đối mặt với B52 rải thảm, chất độc hóa học và những trận càn ác liệt của địch, với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy không lường được.
Nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường miền Nam, thậm chí có thầy cô đã ngã xuống ngay trước thời khắc ngày 30/4/1975 lịch sử.
Còn “Nhà giáo nội đô” không phải là người cầm súng chiến đấu mà là những thầy giáo, cô giáo hoạt động âm thầm trong các đô thị miền Nam, một lực lượng đã góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá tư tưởng cách mạng, khích lệ lòng yêu nước và đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc ngay giữa lòng địch, một bộ phận tham gia phát triển nền giáo dục giải phóng ở các căn cứ lõm và vùng địch hậu.
Những bài giảng của các nhà giáo nội đô đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và truyền thống dân tộc. Phần lớn phong trào đấu tranh của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều có sự tham gia tích cực của các nhà giáo nội đô.
Nhiều người bị địch phát hiện, khủng bố gắt gao buộc phải thay tên đổi họ, sống dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để kiên trì bám trụ hoạt động và tiếp tục giảng dạy; nhiều người bị địch bắt, bị tù đày nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người trí thức cách mạng, không hề nao núng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các thầy cô trở về cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, không ngừng truyền đạt tri thức và kinh nghiệm quý báu cho thế hệ trẻ. Nhiều thầy cô đã trở thành cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị hoặc tiếp tục hoạt động trong ngành giáo dục và đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP.HCM.