Câu chuyện này được chia sẻ tại lễ kỷ niệm 6 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2018) và Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2018” do Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức.
Theo chia sẻ của chị Dương Phương Linh một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với đôi vợ chồng này thì thai nhi bị đình chỉ ở tuần 28 vì giãn tim, phù rau. Năm 2012, nỗi bất hạnh này tiếp tục xảy đến với Linh khi đang mang thai ở tuần 22.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán vợ chồng anh đều mang ghen bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Đây chính là nguyên nhân khiến chị Linh phải đình chỉ thai 2 lần khi thai đã ngoài 20 tuần tuổi.
"Kết quả giống như cú sét đánh ngang tai vậy. Tôi vừa hoang mang vừa sợ hãi không biết phải làm sao để bản thân có thể sinh con. Bác sĩ thấy vậy liền động viên chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe, sống lạc quan rồi phép màu diệu kỳ sẽ đến", chị Linh nhớ lại.
Hạnh phúc viên mãn sau 9 năm của cặp vợ chồng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh
5 năm sống trong sự thất vọng, không nghĩ mình có cơ hội có đứa con khỏe mạnh. Năm 2017, hai vợ chồng được mách đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, và đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên can thiệp. Bước vào tuổi 30, chị sinh được đứa con gái khoẻ mạnh, hoàn toàn không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh
“Hạnh phúc đến với vợ chồng em như mơ. Suốt 9 năm qua, bọn em mong có được đứa con đến mòn mỏi, và đã có lúc định buông xuôi. Nhưng thật may mắn nhờ sự can thiệp của y học, giờ em đã có con trai 6 tháng tuổi khỏe mạnh bình thường. Hạnh phúc hơn nữa với bọn em là bé được xét nghiệm hoàn toàn khỏe mạnh, không mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Hiện em vẫn còn trữ phôi và sẽ dự định sinh tiếp trong ba năm tới”, Linh kể.
Theo ThS Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Tung tâm xét nghiệm di truyền Gentis, Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng.
Trong thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ được ứng dụng để chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể trong đó có tan máu bẩm sinh.
Kỹ thuật này đã được bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công cho trường hợp mắc Thalassemia (cả bố và mẹ) thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.
Cũng tại buổi lễ, nhiều câu chuyện xúc động về hành trình “tìm” con cũng được chia sẻ như gia đình anh Đào Phú Khánh – Vũ Thị Phương thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE (đang mang thai 3), Phạm Thị Phượng – Lý Chí Thanh (sinh 1 con trai) nhờ Micro TESE. Bên cạnh đó, trường hợp gia đình anh Kiều Tiến Cử - Nguyễn Thanh Huyền thất bại nhiều lần, hơn 10 năm theo đuổi đến năm 2017 có hai bé gái cũng khiến những người có mặt tại hội thảo thực sự xúc động.
Tại hội thảo, bệnh viện đã tổng kết chương trình Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018 với chủ đề “Yêu thương lan toả, hạnh phúc đong đầy” (diễn ra từ ngày 5 đến 18/8/2018). Chương trình là hoạt động thường niên của bệnh viện với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình.
Sau 2 tuần diễn ra, chương trình đã tiếp nhận gần 2.000 cặp vợ chồng đến khám và điều trị. Bên cạnh đó, tất cả các cặp vợ chồng đến khám mới trong thời gian này và có nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm được bệnh viện hỗ trợ trực tiếp 5 triệu đồng/ca.