Chính trị

Điểm nhấn đặc biệt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Mai Thoa 25/06/2023 - 18:12

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Với những kết quả đã đạt được, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ tiếp tục ngày càng có chất lượng cao hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đó là nhận định và chia sẻ của các đại biểu Quốc hội với báo chí sau khi bế mạc kỳ họp.

Như chúng ta đã biết, trong 23 ngày làm việc của Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 Luật, 17 Nghị quyết đều với tỷ lệ tán thành rất cao; đồng thời, đã cho ý kiến lần đầu 8 dự án Luật, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

202306241310150295_cqh_5874.jpg

Đây là những dự án Luật, Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước, phạm vi tác động sâu, rộng. Các dự luật đã được các đại biểu đóng góp ý kiến sâu sắc, chất lượng cao trong một tầm nhìn xa và dài hạn, đặc biệt là về tính hợp lý, tính khả thi, tác động của các chính sách mới; sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đất nước.

Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4. Các đại biểu đã thảo luận hết sức thẳng thắn, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong công tác này.

Tiếp đến là phiên chất vấn với tinh thần 5T - “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập đến trước phiên chất vấn.

Đã có tới 454 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 112 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 49 lượt đại biểu đã tranh luận. Các đại biểu và các Bộ trưởng, trưởng ngành đã nhanh chóng thích nghi với đổi mới trong phương thức tiến hành phiên chất vấn theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn.

Diễn biến phiên chất vấn cho thấy hình thức giám sát này có hiệu quả và được các đại biểu rất quan tâm; đồng thời chứng tỏ 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn là cần thiết, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

202305301139486285_35.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nhận định: Từ cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới đã có những tác động rất lớn đến những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam nên kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, trong đó, quý I tăng trưởng thấp so với kỳ vọng, dù Chính phủ đã có những quyết tâm, hành động quyết liệt. Để đạt được chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, chúng ta cần có nhiều nỗ lực hơn nữa và tập trung cho ba động lực tăng trưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng, gồm đầu tư, nhất là đầu tư công, hỗ trợ tiêu dùng và xuất khẩu.

Về đầu tư, các đại biểu quan tâm đến các danh mục đầu tư bổ sung, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm nay. Số tiền dự toán giải ngân đầu tư công của năm 2023 lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa kể khoản đầu tư của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm nhiều đến các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ người lao động đang bị cắt giảm giờ làm.

Có thể nói các nội dung Kỳ họp đã hoàn thành một cách tốt đẹp, thông qua 8 Luật và 17 Nghị quyết quan trọng, góp phần hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường ngày càng đồng bộ hơn.

Theo dõi kỳ họp, tại các phiên thảo luận ở hội trường, nhất là phiên chất vấn, các ĐBQH đã bấm nút phát biểu rất nhiều; có phiên làm việc, số các đại biểu bấm nút tham gia ý kiến lên tới hơn 100 người.

Số lượng đại biểu tham gia đã có sự thay đổi, kéo theo chuyển biến về chất lượng, nhiều ý kiến tốt để hoàn thiện luật pháp. Những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm, không chỉ phản ánh thực tiễn mà đại biểu còn hiến kế, kiến nghị giải pháp.

202306061136091773_49-son.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng: Lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri, đây là một dấu ấn rất lớn trong Kỳ họp, tạo sự thành công, lan tỏa không khí nghị trường tới các cử tri, nhân dân.

Phiên chất vấn cũng là một dấu ấn của Kỳ họp với sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tịch Quốc hội, việc đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn của các đại biểu, sự trả lời của các thành viên Chính phủ cũng giải quyết được các bức xúc của cử tri, nhân dân trong thời gian qua.

202211102327393719_tran-dinh-gia-ha-tinh.jpg
ĐB Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh).

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng chia sẻ: Để có kết quả thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 5, có nhiều yếu tố. Song phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã để lại dư âm tích cực khi hầu hết các đại biểu đều thỏa mãn với phần chất vấn của lãnh đạo Chính phủ và các thành viên.

Tại phiên chất vấn, việc lựa chọn vấn đề chất vấn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, của các đại biểu; sự trao đổi, trả lời thẳng thắn giữa Quốc hội, đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, kể cả Phó Thủ tướng để cùng làm rõ những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm. Tôi tin rằng những lời hứa của các thành viên Chính phủ sẽ sớm đi vào hiện thực.

Ví dụ, Bộ trưởng Bộ GTVT hứa đến tháng 7 sẽ giải quyết xong việc ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm là một lời hứa rất quyết tâm, nếu không có quyết tâm chính trị sẽ không dám hứa như thế trước Quốc hội. Điều đó thể hiện trách nhiệm rất cao của các bộ, ngành, của các thành viên Chính phủ trước những vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội đặt ra. Với tinh thần đó, các vấn đề mà cử tri quan tâm chắc chắn sẽ được tháo gỡ nhanh chóng.

202306240611376877_tran-van-khai-doan-dbqh-tinh-ha-nam.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội chia sẻ: Các chuyên gia nói, vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp 2 cú sốc. “Cú sốc đầu tiên là cú sốc về dịch bệnh COVID-19, cú sốc thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng theo tôi, có thêm 1 cú sốc khác được tạo nên bởi chính nội tại của chúng ta, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.

Câu hỏi lớn đặt ra là: Ai đang thực sự đồng hành cùng người dân và các doanh nghiệp trong lúc khốn khó này? Trong bối cảnh đó, tại kỳ họp, nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ; trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay để chỉ ra các tồn tại hạn chế, nguyên nhân và cách khắc phục.

Từ đó đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.  

Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV, tôi và các ĐBQH sẽ về các địa phương và thực hiện việc tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp. Cùng với đó sẽ thực hiện vai trò giám sát đối với các vấn đề cấp bách đang có trong thực tiễn của đất nước cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và trong đời sống dân sinh tại địa phương.

Chúng tôi cũng coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri.

Có thể khẳng định rằng, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, với những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ tiếp tục ngày càng có chất lượng cao hơn, thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm nhấn đặc biệt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV