Trong năm 2021, nhiều đơn vị trong hệ thống Toà án đã đưa nhiều vụ đại án tham nhũng và vụ án được dư luận quan tâm ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thành công. Trong đó, có nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Qua các phiên toà cho thấy, các bị cáo đều nhận thức được hành vi sai phạm của mình, bày tỏ thái độ ăn năn, khai báo thành khẩn, xin được hưởng lượng khoan hồng. Hình phạt mà Toà án áp dụng đối với người phạm tội cũng tương xứng với tính chất, mức độ mà họ đã gây ra, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Điều này càng chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý mọi cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật là đúng đắn và kịp thời.
1.Vụ án BIDV - Trần Bắc Hà
Ngày 28/6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo, gồm: Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu GĐ Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu GĐ Công ty Hà Nam). Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, hai bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Bản án xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỉ đồng.
Cụ thể, quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV... Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỉ đồng. Ngoài ra, nội dung vụ án cũng thể hiện,đối với Công ty Trung Dũng, quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà nên các bị cáo là nhân viên BIDV đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.
Đối với tất cả 26 khoản vay trên, nhân viên BIDV đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua quá trình xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của 3 bị cáo có đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) lĩnh án 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) 18 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam) 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Riêng với bất động sản tại 60A Bà Huyện Thanh Quan (TP.HCM), HĐXX xác định đây là tài sản riêng của bà Ngô Kim Lan, do vậy có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương về việc giải tỏa kê biên đối với bất động sản này.
2.Vụ án Ethanol Phú Thọ
Trong các ngày từ 8 – 15/3/2021, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên án phạt 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù. Cùng bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với bị cáo Thăng còn có 9 bị cáo khác.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Hồng là 17 năm tù.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng khiến Dự án phải dừng thi công gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỉ đồng (tính từ thời điểm dừng thi công – ngày 27/3/2013 đến ngày khởi tố vụ án). Dự án này chưa hoàn thành, chưa có hạng mục nào đi vào hoạt động nên các cơ quan tố tụng đã xác định thiệt hại là hơn 543 tỉ đồng.
3.Vụ án
Chiều 20/4/2021, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 19 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Theo đó, HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên TGĐ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO) 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.Cùng tội danh, bị cáo Trần Văn Khâm (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ TISCO) lĩnh án 8 năm 6 tháng tù; Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) lĩnh án 6 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án tương xứng với hành vi phạm tội.
Theo bản án,dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD. Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.
4. Vụ án Nhật Cường
Chiều 10/5/2021, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
HĐXX sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (GĐ Tài chính Công ty Nhật Cường) 14 năm tù về cả hai tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với các bị cáo phạm tội “Buôn lậu”, HĐXX quyết định xử phạt bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó TGĐ Công ty Nhật Cường) 13 năm; các bị cáo còn lại nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội.
Theo bản án, quá trình kinh doanh của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) đã thực hiện việc buôn lậu hàng hóa, thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc) để phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu.
Cụ thể, Bùi Quang Huy đã thuê nhiều đường dây vận chuyển hơn 250.000 sản phẩm lậu (di động các loại, máy tính, máy nghe nhạc...) từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.
Bùi Quang Huy trực tiếp tạo lập các “nhóm chat” để thực hiện việc giao dịch mua bán hàng hóa với 16 nhà cung cấp và trao đổi thống nhất với 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ nước ngoài về Việt Nam, giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, từ năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc (GĐ tài chính) và Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) của Công ty Nhật Cường, sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.
Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước... Theo HĐXX, hành vi sử dụng hai hệ thống sổ kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
5. Vụ án Vũ Huy Hoàng
Sau thời gian xét xử và nghị án, chiều 29/4/2021, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã ra phán quyết đối với 10 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và những đơn vị liên quan.
HĐXX cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) 9 năm tù với cùng tội danh trên.
Với các bị cáo còn lại bị HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên phạt các mức án tương xứng với hành vi phạm tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
HĐXX quyết định giao lại thửa đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP.HCM xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
HĐXX kết luận Tổng Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, thuộc Bộ Công Thương quản lý) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, quận 1, TP.HCM) có tổng diện tích 6.080 m2 dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm.
Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, bị cáo Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) và bị cáo Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công Thương và Sabeco, trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl, cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TPHCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.
Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỉ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỉ đồng.
Cũng theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. HCM) ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là doanh nghiệp Nhà nước, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.
Sau khi Sabeco có Công văn gửi UBND TP. HCM, bị cáo Tín ký Quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng là hơn 997 tỉ đồng). Sau đó, bị cáo Tín chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ công tác liên ngành) chủ trì, cùng Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Quận 1 nghiên cứu, đề xuất UBND TP. HCM xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco…
6. Vụ án CDC Hà Nội
Sau thời gian xét xử, ngày 12/12/2020, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên bản án sơ thẩm đối với 10 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan.
Cụ thể, Nguyễn Nhật Cảm (cựu GĐ CDC Hà Nội) bị tuyên mức án 10 năm tù. Các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ CDC Hà Nội bị tuyên mức án từ 36 tháng treo đến 6 năm 6 tháng tù về cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (GĐ Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (nguyên TGĐ Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) lĩnh án từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù cùng về tội danh nêu trên.
Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Như vậy, sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19, tại gói thầu số 15 với số tiền là 9,54 tỉ đồng. Sai phạm của các bị cáo tại gói thầu số 15 gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 5 tỉ đồng.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, sau thời gian xét xử phúc thẩm vào ngày 24/6/2021, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định bác kháng cáo, tuyên y án đối với bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm. Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng nên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.