Hàng ngàn, hàng vạn người chen lấn, xô đẩy nhau những mong xin được ấn để tấn tài, tấn lộc, thăng tiến trong nghề nghiệp. Trong làn mưa lạnh tê tái như kim châm, từ già đến trẻ, ai cũng cố ngoi lên bằng mọi giá để thể hiện lòng thành kính của mình.

Đoàn người dường như bất tận đó nối dài đến vài km từ Quốc lộ 10 đến cổng đền Trần (đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, Tp. Nam Định), ai nấy đều tâm niệm rằng, bằng mọi giá phải đến được cái cổng tam quan bé như ô cửa sổ, xin được tờ giấy bằng bàn tay có vài chữ vuông tròn mới toại nguyện. Chả hiểu cái tờ giấy đó nó có sức mạnh nhường nào, giúp con người ta phát đạt đến đâu mà thập phương du khách đều đổ về đây khiến quang cảnh cửa đền mỗi lúc một bát nháo trước giờ khai ấn.

Chen lấn chờ xin ấn.


Bà Hà, chủ một cửa hàng đồ gỗ trên Đà Bắc, Hòa Bình lặn lội về đây “chầu ấn” từ hôm 13 âm lịch. Đây là lần thứ 6 bà đi xin ấn. Năm lần trước bà đi cùng con dâu, nhưng vì hàng hóa đắt đỏ, nhà trọ giá cao, năm nay bà đi một mình, cho nó đỡ tốn kém. Mỗi đêm, riêng tiền ngủ nhà nghỉ bình dân nhất ở đây cũng 500 ngàn, khách sạn cao cấp thì 2-3 triệu phòng/đêm. Đến ngay cái “lễ mọn” toàn hương hoa, vàng mã “ngự” trên mái đầu hoe bạc của bà cũng tốn đến gần một triệu. Tay giữ mâm, tay kia bà Hà giữ khư khư chiếc điện thoại. Rút kinh nghiệm từ những lần bị móc túi trước đây, năm nay bà mua hẳn sợi dây “xích” chiếc điện thoại vào cổ tay đề phòng mất cắp. Giữa chập trùng biển người ấy, thỉnh thoảng vẫn còn vang lên những tiếng kêu thảng thốt khi một hai món đồ trong túi “không cánh mà bay”.

Sắp vàng mã để cúng

Từ nhiều năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng tuyên truyền về việc người dân không nên đốt vàng mã quá nhiều trong mỗi dịp lễ hội, nhưng xem ra cũng chả có tác dụng là bao. Người ta vẫn kìn kìn mua sắm, kìn kìn đốt như thể đi lễ mà không đốt lên một cái gì đó thì nó chống chếnh, thiêu thiếu, thất lễ với bậc bề trên. Cả khoảnh đất chừng vài km2 quanh khu vực đền Trần đều nhuốm màu hương khói. Nhìn xa, tựa hồ như đang có một đám cháy dữ dội dưới làn mưa. Dù ai cũng biết, mỗi dịp lễ hội là dịp kiếm tiền, trục lợi của không ít một số người làm nghề bán đồ tế lễ, tất cả du khách vẫn lao vào như con thiêu thân cho dân buôn chặt chém.


Giá cả ở khu đền Trần gần như leo thang mỗi ngày tùy theo lượng người trẩy hội. Một thẻ hương chỉ khoảng 3-5 ngàn nhưng ở đây nó bị đẩy lên đến hàng chục lần, 20-30 ngàn; đĩa vàng lá mua ở Hàng Mã (Hà Nội) 30-50 ngàn cũng được “hét” 150-200 ngàn… Nhưng có lẽ hốt bạc nhất vẫn là dịch vụ trông xe, hai bánh 50 ngàn/3 tiếng, ô tô 200-400 ngàn cho một canh giờ.

Những nhà sư giả thi nhau hành khất

Không chỉ “đốt tiền” vào những cái lư hương, du khách trảy hội còn đốt tiền vào những chiếc nón mê, bát sành sứt sẹo được chìa ra từ vô số cánh tay “cái bang” đuồn đuỗn “mọc” hai bên đường. Sắp hàng từ quốc lộ 10 vào tận cửa đền, đội ngũ “cái bang đền Trần” đông đảo đến mức khiến cho người ta có cảm giác như ở nơi đây “mỗi mét vuông, một ăn xin”, bất chấp sự nỗ lực ngăn chặn của hơn 3.000 cán bộ, chiến sỹ lực lượng an ninh và chính quyền sở tại. Từ xưa đến nay, nhiều người xem ấn đền Trần như một lá bùa hộ mệnh cho việc thăng quan, tiến chức, như thượng phương bảo kiếm trên cuộc hành trình chinh phục những đỉnh cao quyền lực trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn hóa dân gian đã khẳng định “khai ấn đền Trần” không phải là để phong chức tước mà lễ khai ấn là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm.

Niềm vui xin được ấn

Tiếc thay, năm nào cũng vậy, chỉ vì lòng thành kính, sùng bái được đẩy lên thái quá nên việc xin ấn không còn giữ được ý nghĩa như xưa. Năm sau lượng ấn ban tổ chức lễ hội phát ra luôn nhiều hơn năm trước nhưng vẫn thường xuyên xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật, tranh cướp ấn. Xấp xỉ 20 vạn tờ ấn đã được “ban” ra mà vẫn “cháy”, không đủ cung cấp cho lượng người có nhu cầu … thăng tiến. Nắm bắt tình trạng đó, nhiều “phe ấn” trục lợi kiếm lời. Thông thường khi nhận mỗi tờ ấn, du khách công đức tùy tâm, chừng 10.000 đồng, nhưng đến khi ban tổ chức phát hết, “phe” đẩy giá lên đến cả 100-200 ngàn. Chưa kể một số đối tượng còn làm giả ấn đem bán cho du khách thu lời bất chính. Nhiều người vượt đường xá xa xôi đến đây mua về tờ ấn giả, vẫn cứ ngỡ đang mang trên mình lá bùa hộ mệnh!

Người sau vái… lưng người trước

Không những thế, người ta còn thể hiện đủ mọi phương cách để chứng tỏ lòng thành kính của mình. Họ thắp hương, rập đầu khấn vái ở mọi nơi, mọi chốn, từ tượng Vua Trần, đến gốc đa, gốc đề ngoài sân đền, người nọ chắp tay vái… lưng người kia, mâm đầy đè mâm vơi, tất cả tạo nên một bức tranh văn hóa hỗn loạn, xô bồ. Thấy chưa đủ thành tâm, người ta thay nhau “hối lộ” thần linh, bất kể đâu đâu cài gác được đồng tiền, y rằng ở đó tiền rơi lả tả. Có cô nàng quần chít, áo bó từ đầu đến cổ, son phấn bời bời, còn “bạo gan” trèo lên “hối lộ” tiền vào tai tượng trong tiếng trầm trồ thán phục của đám bạn mắt xanh, mỏ đỏ.


Nhưng trong hàng ngàn, hàng vạn người đang đứng chôn chân trong cái lạnh tê tái kia, còn có rất nhiều người, đến đền Trần với lòng thành, đơn giản là họ chỉ muốn được chìm trong thời khắc linh thiêng nhất của một năm, họ lễ thánh, cầu mong anh linh Đức thánh Trần che chở, phù hộ cho gia đạo bình an.

Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đêm đền Trần