Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Bộ Công an, khi tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) của các Bộ, ngành, UBND các cấp thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, nhiều nội dung cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn như về lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ việc cưỡng chế; về chi phí dành cho công tác cưỡng chế; về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong tổ chức cưỡng chế và một số bất cập trong các biện pháp cưỡng chế.
Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt VPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC gây ra trong trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC hoặc không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành cưỡng chế và tổ chức, cá nhân khác liên quan đến thi hành cưỡng chế.
Về nguyên tắc áp dụng, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật xử lý VPHC nếu việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế không đủ để bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế. Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế và cá nhân, tổ chức khác có liên quan trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế như sau: Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập không có thu được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền, và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.
Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.
Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
Đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản chung của hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác; trường hợp tài sản chung không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản của các thành viên trong hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc pháp luật có liên quan quy định khác.
Về việc lập biên bản việc tổ chức, cá nhân bị xử phạt không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt VPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong quá trình theo dõi, kiểm tra việc chấp hành án quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đại diện cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản về việc tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với sự chứng kiến của cá nhân vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm.
Trường hợp cá nhân vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi lập biên bản hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc tổ chức, cá nhân vi phạm không ký vào biên bản.