Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Cần một sự đồng thuận để giải quyết khó khăn

Đan Hà| 18/04/2019 20:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau hơn 10 năm triển khai dự án, hiện nay cao tốc này mới chỉ hoàn thành được 15% tiến độ công trình, dù thời điểm thông tuyến theo dự kiến đã cận kề. Hàng loạt các khó khăn vướng mắc từ khách quan đến chủ quan đang cần được tháo gỡ để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung. Khi tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công xây dựng đã tạo nên một sự hào hứng và hy vọng không nhỏ cho người dân đồng bằng sông Cửu Long và những ai thường phải di chuyển đến khu vực này. Bởi lẽ, kẹt xe trên con đường huyết mạch Thành phố Hồ Chí Minh và ĐBSCL dường như đã thành “đặc sản” của vùng đất này.

ct3

Ngập tràn khó khăn và tồn đọng sau 10 năm

Hơn 10 năm trôi qua, con đường cao tốc trong mơ vẫn còn là một đại công trường ngổn ngang cát đá, nhiều đoạn vẫn còn trong tình trạng là đầm lầy ngập nước chưa có đường tiếp cận. Không chỉ chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các bộ ngành mà cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải vào cuộc để xử lý các vướng mắc dẫn đến dự án này dậm chân tại chỗ trong thời gian qua.

Qua diễn tiến thực tế khi triển khai dự án đã bộc lộ nhiều thiếu sót trong quá trình đánh giá hiện trạng nền đất yếu trên toàn tuyến đường dẫn đến các giải pháp thi công chưa thực sự khả thi. Việc áp giá nguyên vật liệu không theo sát với biểu giá tại địa phương cũng là một rào cản khiến nhà thầu e ngại do chênh lệch lớn so với dự toán ban đầu của dự án. Việc điều hành, điều phối dự án chưa thực sự khoa học của Chủ đầu tư cũng là một nguyên nhân khiến các bên lúng túng trong vận hành dẫn đến chậm trễ trong thi công.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, qua đó đến ngày 18/03/2019 Thường trực Chính phủ đã có thông báo số 99/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Thông báo chỉ rõ: “Dự án chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP cũng như năng lực của Nhà đầu tư dự án”.

Thủ tướng cũng yêu cầu: “Cần điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư; làm việc với Ngân hàng cung cấp tín dụng thẩm định lại phương án tín dụng cho dự án, đồng thời Thường trực Chính phủ yêu cầu các Nhà đầu tư cam kết hoàn thành thông tuyến trong năm 2020. Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đề cao trách nhiệm và đặc biệt quan tâm để tháo gỡ các khó khăn, tìm các giải pháp để dự án hoàn thành và coi đây là nhiệm vụ chính trị”.

Thay đổi người “cầm chịch”...

Ngày 21/3/2019, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông, tại đại hội các cổ đông đã thống nhất việc hợp lực và quyết tâm tiếp tục triển khai dự án. Với kinh nghiệm mà Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện giải cứu Dự án cao tốc Bắc Giang -  Lạng Sơn, các cổ đông đã thống nhất mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án để tháo gỡ những vướng mắc ở dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.

Ngày 22/3/2019, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức bàn giao Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT cho UBND tỉnh Tiền Giang.

Với quỹ thời gian còn lại của dự án không nhiều (18 tháng), trong khi giải pháp xử lý nền đất yếu trong dự án có nhiều đoạn phải mất 18 tháng. Do đó cần phải thực hiện điều chỉnh các giải pháp thiết kế, thi công.

Ngày 25/3/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp dự án về các giải pháp trước mắt để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án thông tuyến vào năm 2020. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa UBND tỉnh Tiền Giang và doanh nghiệp dự án vẫn còn có những bất cập khiến công việc điều hành vẫn chưa được thông suốt.

Cần đồng lòng để hành động

Trên cơ sở đề nghị của các Nhà đầu tư tại Dự án Trung Lương Mỹ Thuận, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho Dự án, trong đó bao gồm: Bổ sung năng lực điều hành bằng các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Đèo Cả, thay đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để dễ dàng phối hợp trong điều hành công việc và một số các giải pháp cụ thể khác để đảm bảo yêu cầu của nghị quyết đại hội cổ đông cũng như của chính phủ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Cần một sự đồng thuận để giải quyết khó khăn

Ngay trên công trường thi công, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: “Tôi mới chỉ tiếp quản công việc điều hành dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận trong một thời gian rất ngắn nên cũng cần thêm thời gian để rà soát lại toàn bộ công việc. Khó khăn thách thức khá nhiều nhưng cơ bản chúng tôi đã tìm ra hướng giải quyết từng bước một. Điều quan trọng nhất với tôi để có thể hoàn thành đúng tiến độ dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ chính là việc cần có sự đồng lòng. Đồng lòng từ các bộ ban ngành, từ chính quyền địa phương, chủ đầu tư đến các nhà thầu. Những gì tồn đọng sẽ được tháo gỡ trong quá trình vận hành công việc sắp tới. Giờ không phải lúc đào sâu vào các thiếu sót nếu có, mà mỗi cá nhân, mỗi tập thể phải tự thấy trách nhiệm của mình để cùng sắn tay vào làm. Tôi tin, với sự đồng lòng, tinh thần trách nhiệm cao và những bước cải tiến công việc hợp lý sẽ đủ để thực hiện thành công dự án trọng điểm này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Cần một sự đồng thuận để giải quyết khó khăn