Chủ tịch nước: Truyền bá để mọi người hiểu lịch sử cần thiết cho mọi người, mọi giới

Đức Dũng| 29/11/2016 15:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức "kiến thức lịch sử cần cho mọi người, mọi giới".

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm thành lập (1996 - 2016). Dự lễ kỷ niệm có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Hà Nội và một số địa phương.

Chủ tịch nước: Truyền bá để mọi người hiểu lịch sử cần thiết cho mọi người, mọi giới

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Nhân dịp này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện có 59 hội và chi hội thành viên (33 hội cấp tỉnh/thành phố, 4 hội chuyên ngành và 22 chi hội của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học Trung ương), với trên 5.200 hội viên. Hội tập hợp giới sử học cả nước, liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, thông qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, tổ chức đề tài nghiên cứu khoa học để định hướng và đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện phát triển theo hướng tập hợp rộng rãi những nhà khoa học trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, đoàn kết giới sử học cả nước nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến kiến thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định khoa học đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác với giới sử học quốc tế.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, lịch sử luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và trong sự phát triển của đất nước. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nửa thế kỷ qua đã tập hợp, đoàn kết giới sử học cả nước, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam và đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, ra đời năm 1966 vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước sang giai đoạn gay go, ác liệt nhất, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tập hợp, động viên giới sử học, bằng những hoạt động phong phú đã khơi dậy truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng, như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “huy động cả mấy nghìn năm lịch sử vào trận đánh”, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, Hội đã mở rộng tổ chức và hoạt động trên quy mô cả nước, thực sự trở thành tổ chức xã hội nghề nghiệp của giới sử học, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp đổi mới nền sử học nước nhà, tập hợp rộng rãi các nhà nghiên cứu công tác trên lĩnh vực khoa học lịch sử và những khoa học liên quan. Hội tăng cường phổ biến tri thức lịch sử góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; thực hiện chức năng tư vấn, phản biện xã hội đối với các công trình và dự án liên quan đến sử học, văn hóa dân tộc; đóng góp nhiều ý kiến về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy và học môn lịch sử… Nhận thức về lịch sử dân tộc đã được nâng lên thông qua nhiều kết quả nghiên cứu từ thời tiền sử xa xưa với việc phát hiện di tích đồ đá cũ sơ kỳ cách ngày nay hàng chục vạn năm, thời cổ đại với các trung tâm văn hóa lớn trên lãnh thổ Việt Nam, như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo, cho đến thời hiện đại với những trang sử cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế… Đặc biệt, Hội đang tập trung biên soạn bộ “Lịch sử Việt Nam“ gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện, phản ánh những kết quả nghiên cứu mới nhất ở trong nước và tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu quốc tế. Bộ Quốc sử mang tính tập đại thành này sau khi hoàn thành sẽ là một công trình sử học xứng đáng với tầm vóc thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước: Truyền bá để mọi người hiểu lịch sử cần thiết cho mọi người, mọi giới

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ kỷ niệm

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, công cuộc đổi mới trong hơn 30 năm qua đã được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra những cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và giới sử học cả nước, với truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong 50 năm qua, tiếp tục phát huy tính tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới khoa học lịch sử, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chú trọng tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, Hội cần tập trung công sức, huy động trí tuệ của giới sử học để hoàn thành với chất lượng cao nhất nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không phải chỉ dành cho những nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học, mà cần thiết cho mọi người, mọi giới, bao gồm cả các nhà quản lý. Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách, bản lĩnh cho thế hệ trẻ. Hội cần làm tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội đối với việc bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế về các sự kiện, nhân vật lịch sử, chủ quyền biển, đảo... nhằm khẳng định vai trò, tiếng nói của giới sử học Việt Nam trên diễn đàn sử học quốc tế và quan hệ giao lưu, hợp tác với các nền sử học trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Truyền bá để mọi người hiểu lịch sử cần thiết cho mọi người, mọi giới