Không có cách nào, giải pháp nào tốt hơn trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống của cha ông bằng việc trao nó đến những người trẻ.
Nhắc đến chèo, nhiều người nghĩ ngay đến một loại hình nghệ thuật không còn thu hút khán giả, nhất là giới trẻ, thế nhưng có những bạn trẻ lại không ngại khó để dành thời gian cho chèo, mang chèo lan tỏa tới cộng đồng. “Tôi chèo về quê hương” của nhóm Chèo 48h là một trong những dự án ý nghĩa mang người trẻ về lại các giá trị văn hóa truyền thống.
Mới đây, ngay tại Ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội), đêm Gala Chèo 48h- Tôi chèo về quê hương đã diễn ra trong không khí ấm cúng như một gia đình. Theo như tiết lộ của TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Ban giám hiệu Nhà trường không bắt buộc các học sinh-sinh viên đến tham gia đêm Gala chèo 48h nhưng cả khán phòng ký túc xá gần như không còn chỗ trống.
“Nhà trường thật sự phấn khởi, trong thời tiết Hà Nội lạnh như thế này, lại vào thời điểm những ngày cận Tết, chúng ta lại ngồi quây quần bên nhau để cùng thưởng thức những làn điệu chèo truyền thống do chính các bạn trẻ thể hiện thì quả thật không có gì phù hợp hơn.
Trong những bộn bề của cuộc sống hiện đại, chúng ta vốn bị cuốn theo những vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự, kể cả những loại hình giải trí thì cũng là những loại hình nghệ thuật hiện đại thì việc tổ chức một đêm gala Chèo truyền thống như này cho thấy sự hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống với hơi thở của cuộc sống hiện đại. Và điều khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi rất đông các em sinh viên đã có mặt ở đây, dù trước đó nhà trường không bắt buộc phải tham gia, nhưng cả khán phòng gần như không còn chỗ trống, mới thấy giới trẻ thực sự không quay lưng lại với những loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo”- Thầy Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trải lòng.
Và theo thầy Tuấn thì đây là sự động viên lớn nhất dành cho Nhà trường, cho dự án chèo 48h, cho những người tổ chức chương trình và các nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Được biết nhóm chèo 48h đã gắn bó với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn từ năm 2016. Dù thời gian chưa đủ dài nhưng có thể nói sức sống của chèo 48h thật sự mãnh liệt. Cùng thời điểm này năm ngoái, chèo 48h cũng đã tổ chức một đêm gala như thế này, bên cạnh những hoạt động khác như Hò khoan lệ thủy, các chương trình nghệ thuật cổ truyền khác.
Tiếp nối thành công đó, năm nay nhóm Chèo 48h lại tiếp tục chuyến hành trình đặc biệt của ngày Tết thông qua câu chuyện của một cô bé chỉ quen với cuôc sống hiện đại ở thành phố, những ngày giáp Tết được về quê thăm ông bà, bất ngờ bắt gặp những câu chuyện quen mà lạ, mở dần từng lớp khám phá những điều cô bé chưa bao giờ biết đến về chính mảnh đất mình đang sống.
Vì bố mẹ bận đi công tác đúng dịp sát Tết nên bé Bảo An được gửi về quê với bà. Mới đầu còn chưa quen cảnh làng quê nên Bảo An cảm thấy buồn và nhớ thành phố da diết. Bà của bé thấy thế nên hôm sau đã dẫn Bảo An đi trải nghiệm không khí Tết ở quê với những phiên chợ có gánh hát xẩm, không gian đình làng có múa hát Chèo và diễn xướng Chầu Văn…
Bảo An (tên đầy đủ là Nguyễn Trần Bảo An) cũng chính là học viên nhỏ tuổi nhất và đặc biệt nhất trong nhóm dự án Chèo 48h. Năm nay, Bảo An là học sinh lớp 4C trường Tiểu học Tô Hoàng, Hà Nội. Bé là học viên nhỏ tuổi nhất của lớp Chèo và Chầu văn.
“Con biết đến lớp học nhờ mẹ. Ngày đầu tiên mẹ dẫn đến lớp con vẫn chưa biết là học gì. Con chưa từng được biết đến các bộ môn này. Con thấy có các bà và cô chú lớn tuổi học nên hơi sợ nhưng càng ngày học càng thấy vui, có những hôm không đến lớp được con cảm thấy nhớ mọi người.
Được tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật mới mẻ, con thấy rất hay và hiểu thêm được nhiều điều: con biết cách nói thế nào cho hay, biết cách diễn đạt cảm xúc sao cho phù hợp với từng tình huống,... Con đã bắt đầu cảm thấy yêu thích các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Hôm nay con sẽ trở thành một diễn viên trên sân khấu gala cùng các bà và cô chú, con sẽ cố gắng để thể hiện thật tốt vai trò của mình”- Bảo An cho biết.
Ngoài Bảo An, nhóm Chèo 48h tập hợp những con người từ nhiều độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau vì niềm yêu thích đối với chèo. Trong những thời khắc không ai nghĩ họ sẽ trở thành anh Nô, cô Mầu, bác Xẩm… – thì họ ở đó và sống cùng một đam mê.
Gala Chèo 48h 2017 là thành quả của năm thứ 4 mà dự án Chèo 48h được tổ chức, và là năm thứ 2 có đêm Gala như thế này. Trong suốt thời gian đó, Chèo 48h đã đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho những người yêu mến các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung.
Các tiết mục không phân tách riêng lẻ mà cùng liên kết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, được dẫn dắt bởi hai thế hệ già – trẻ, như một cách truyền lửa của người đi trước với người đi sau, là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng với những người trẻ về việc giữ gìn, tiếp nối tinh hoa truyền thống dân tộc.
Với sự dẫn dắt của NSƯT Đoàn Thanh Bình, NS Nguyễn Tuấn Kha, NS Nguyễn Văn Phương, NS Lê Thu Hiền, NS dân gian Mai Thiện, NS dân gian Ngô Văn Hảo, chương trình “Gala Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” là một món quà đặc biệt, một thành quả nỗ lực miệt mài của những con người vẫn luôn cần mẫn chèo đò ngược dòng hiện đại về với truyền thống, đồng thời cũng là nơi những người đam mê nghệ thuật thể hiện cái nhìn của mình về câu chuyện của ông cha.
Chị Đinh Thị Thảo, trưởng ban điều hành dự án chèo 48h trải lòng: “Dự án này được thực hiện với mong muốn lan tỏa tình yêu, niềm cảm hứng dành cho nghệ thuật truyền thống đến đông đảo hơn công chúng hiện đại. Những người biểu diễn trên sân khấu là những nghệ sĩ không chuyên nhưng có đam mê thực sự với chèo. Họ đều là những học viên tham gia khóa học ngắn hạn với 15 buổi, dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Trung ương. Chúng tôi hy vọng rằng những màn trình diễn của các bạn trẻ, tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của các bạn sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng cho những người đến xem”.
Sự ra đời của dự án chèo 48h cho thấy không có cách nào giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống nào tốt hơn bằng việc mang các giá trị ấy cho chính các bạn trẻ gìn giữ, mà cũng qua đó hiểu hơn các bạn trẻ hiện nay, họ thực sự khao khát làm những điều tốt đẹp, ý nghĩa gắn với văn hóa truyền thống, tính bản sắc dân tộc ngay từ những dự án tưởng chừng như nhỏ bé.
Một bạn trẻ có tên là Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ: “Là một trong những người trẻ, tôi thấy việc các bạn duy trì dự án chèo 48h trong 3 năm là một việc làm đáng để bản thân tôi và mọi người phải suy ngẫm. Chèo và văn hóa chèo của Việt Nam sẽ tiếp tục được phục dựng và phát triển một cách bền vững trong tương lai”.
“Tôi thấy dự án chèo 48h này vô cùng bổ ích và ý nghĩa, là nơi tôi được trải nghiệm, thử nghiệm với môn nghệ thuật dân gian, là nơi khơi gợi và tiếp thêm cho tôi tình yêu về nghệ thuật dân gian. Nơi đây cũng là nơi để lại trong tôi tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa”- một bạn trẻ khác cho biết.
Chương trình Gala Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương là một món quà đặc biệt, một thành quả nỗ lực miệt mài của những con người vẫn luôn cần mẫn chèo đò ngược dòng hiện đại - truyền thống, đồng thời cũng là nơi những người đam mê nghệ thuật chúng tôi thể hiện cái nhìn của mình về câu chuyện của ông cha.