Dân tộc Lô Lô là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) của nước ta. Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Lô Lô, tăng cường giao lưu đại đoàn kết các dân tộc, UBND huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) đã tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Lô Lô lần II- 2024.
Tại huyện Bảo Lâm, người Lô Lô, sinh sống tại 4 xóm Cà Mèng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B và Cà Đổng của xã Đức Hạnh. Trong những năm qua, mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô vẫn gìn giữ, lưu truyền những phong tục, tập quán cũng như những lễ hội truyền thống của cha ông.
Người Lô Lô có nền văn hóa phong phú độc đáo, từ trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, ẩm thực đến phong tục, tập quán cưới hỏi, lễ hội, nghi lễ đặc sắc được lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc biệt, dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm còn gìn giữ và lưu truyền trang phục dân tộc với đường nét hoa văn được thêu tỉ mỉ, sắc sảo, có giá trị văn hóa cao.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm nói riêng có nhiều đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào dân tộc Lô Lô luôn phát huy tinh thần đoàn kết, kiên trung với Đảng, nỗ lực vươn lên cùng cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước và huyện nhà.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Lô Lô lần II- 2024 là dịp để nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng và đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, là sân chơi lành mạnh, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất.
Ngày hội cũng là điểm nhấn giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo tại Bảo Lâm đến du khách gần xa. Qua đó góp phần thực hiện tốt đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh khẳng định: Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô được tổ chức, có ý nghĩa thiết thực góp phần đẩy mạnh và nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển dân số dân tộc Lô Lô thiểu số rất ít người theo quan điểm và chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, là dịp tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho cán bộ, giáo viên, học sinh, nhân dân và du khách biết về tầm quan trọng, giá trị, vai trò của các dân tộc trên địa bàn, nhất là dân tộc Lô Lô. Khơi dậy ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô trên địa bàn xã Đức Hạnh nói riêng và địa bàn huyện nói chung. Bảo tồn, phát huy các nét đẹp truyền thống, độc đáo, qua đó, giới thiệu quảng bá về giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương.
Trong khuôn khổ Ngày hội, người dân, du khách được trải nghiệm các hoạt động: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi hát dân ca Lô Lô; trình diễn trang phục truyền thống; thi thêu thổ cẩm; quay sợi bông, dệt vải; thi đan lát các vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất bằng tre, trúc; các trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sắc dân tộc do chính bàn tay lao động của người dân nơi đây làm ra, tất cả sẽ tạo nên không gian văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm.
Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn…
Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Lô Lô có 4827 người, cư trú chủ yếu ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai).
Người Lô Lô có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được.
Sinh sống gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp, với núi rừng đồng bào Lô Lô phác lên những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan sinh động trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội.