Văn hóa - Du lịch

Viết về cái ác cũng là cách để nhận biết cái lương thiện

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung 03/05/2024 14:44

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật cũng là nhà văn đã rất thành công trong việc “văn học hóa” những số phận người, khiến cho nhiều câu chuyện pháp lý, những tình tiết của các vụ án tưởng chừng khô khan nhưng qua ngòi bút của ông hiện lên ly kỳ, đầy lôi cuốn.

thieng-lieng-3-.png

Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật cũng là nhà văn đã rất thành công trong việc “văn học hóa” những số phận người, khiến cho nhiều câu chuyện pháp lý, những tình tiết của các vụ án tưởng chừng khô khan nhưng qua ngòi bút của ông hiện lên ly kỳ, đầy lôi cuốn.

Trong nhiều tác phẩm của mình, ông đã gửi gắm tâm tư, tình cảm, những kinh nghiệm có được trong công tác “Thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp”, phản ánh cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa ranh giới “có tội” hay “không có tội”, giữa “cái thiện” và “cái ác”. Ông viết về cái xấu, mặt trái nhưng giúp người đọc nghĩ đến điều tốt đẹp của con người và cuộc sống này nhiều hơn.

01-3-.png

PV: Bên cạnh khả năng văn chương, tư liệu và kinh nghiệm có được trong nhiều năm công tác tại cơ quan Kiểm sát hẳn đã giúp ông sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị - từ sách chuyên khảo về pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát đến tác phẩm văn học. Ông có thể chia sẻ với độc giả Báo Công lý lí do nào đã thôi thúc ông “khởi duyên” với nghiệp văn chương?

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu: Là người lính chuyển ngành về VKSNDTC từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước nên lúc đầu tôi chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ các bậc đàn anh đi trước, sau này mới có điều kiện đi học tại các trường đào tạo. Cho nên, khi trở thành lãnh đạo VKSNDTC, bản thân rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn để qua đó bổ sung kiến thức về lý luận.

Thời gian làm Phó Viện trưởng VKSNDTC, tôi được phân công phụ trách một số mảng công tác, trong đó có công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử. Đúng vào thời điểm Bộ Chính trị có Nghị quyết 08-NQ/TW (2002), Nghị quyết số 49-NQ/TW (2005) về cải cách tư pháp; trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao trách nhiệm tranh tụng tại các phiên tòa bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan…

ts-nha-van-duong-thanh-bieu-nguyen-pho-vien-truong-vksndtc-6-.jpg
Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC.

Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp và xuất phát từ thực tiễn, tôi đã chủ trì và chủ biên những cuốn sách chuyên khảo để bạn đọc, nhất là bạn đọc trong ngành Kiểm sát hiểu hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Kiểm sát viên khi tham gia các phiên tòa hình sự: Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (2007), Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm (2008), Kỹ năng thực hành quyền công tố các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm (2010)…

PV: Như bất cứ nhà văn nào, mỗi tác phẩm là một “đứa con tinh thần” mang nhiều tâm huyết, tình cảm của người cầm bút. Nhiều độc giả rất thích thú với những câu chuyện được ông “văn học hóa” từ những câu chuyện thực tế tưởng chừng rất khô khan trong giai đoạn ông còn công tác trong Ngành Kiểm sát. Vậy trong vô số những tư liệu sống mà ông đã chứng kiến, tham dự, câu chuyện nào khiến ông trăn trở nhất?

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu: Trong số các vụ án bản thân được trực tiếp tham gia và chỉ đạo, có vụ án đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Trong những ngày trung tuần tháng 6/1976, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề và các bị cáo phạm những trọng tội: Tham ô, Cố ý làm trái, hối lộ… do VKSNDTC truy tố. Những ngày xét xử là những ngày nắng như đổ lửa nhưng hàng nghìn bà con nhiều địa phương “cơm đùm, cơm nắm” kéo về, đứng chật sân Tòa án và các đoạn đường phố cạnh đó để nghe diễn biến phiên tòa. Khi bà con nghe ông Tạ Đình Đề và Luật sư bào chữa, hàng loạt tiếng vỗ tay và tiếng hô vang Tạ Đình Đề. Nhất là khi Thẩm phán, bà Phùng Lê Trân, Chủ tọa phiên tòa tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội và tha bổng tại Tòa, hàng ngàn bà con chen nhau xem Tạ Đình Đề được mở khóa tay, bước ra với bà con.

Nhưng sau đó, Bản án sơ thẩm nói trên bị VKSNDTC kháng nghị, yêu cầu TANDTC xét xử phúc thẩm. Trong lúc đang chờ phiên tòa phúc thẩm thì ông Tạ Đình Đề bị khởi tố, bắt giam về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

cream-simple-minimalist-photo-film-photo-collage.png

Nếu như vụ án kinh tế trước đây, tôi là người được dự phiên tòa thì vụ án thứ 2 này, tôi được giao nhiệm vụ Kiểm sát điều tra. Ngày 08/8/1989, Viện trưởng VKSNDTC quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Ngày 22/6/1992, Chánh án TANDTC có văn bản xác định: Trong tình hình hiện nay, việc đưa vụ án Tạ Đình Đề ra xét xử phúc thẩm là không cần thiết. Sau đó, ông Tạ Đình Đề được các cấp khôi phục toàn bộ các chế độ, chính sách. Đặc biệt ngày 21/5/2007, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Tạ Đình Đề, vì: “Đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau này, tôi và ông Đề có nhiều buổi gặp nhau tâm sự cuộc đời. Tạ Đình Đề đã từ giã cõi trần vào ngày 17/01/1998, hưởng thọ 81 tuổi.

Việc ông Đề bị bắt giam oan 44 tháng nhưng sau đó đã được giải oan, là bài học rất có ý nghĩa đối với cán bộ tư pháp nhất là cán bộ Ngành Kiểm sát. Qua đây, càng khâm phục bà Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử thời kỳ đó đã dũng cảm đi đến tận cùng để tìm ra chân lý, lẽ phải và tuyên Bản án được nhân dân đồng tình ủng hộ. Những bài học trong vụ án này thôi thúc tôi viết cuốn sách về ông Tạ Đình Đề.

Sau nhiều lần suy nghĩ, cuối cùng tôi chọn viết về những góc khuất của Tạ Đình Đề với mong muốn toát lên tính huyền thoại của cuộc đời ông. Tập truyện ký “Tạ Đình Đề những góc khuất cuộc đời” được hình thành từ đây. Dù là cuốn sách nhỏ nhưng đó là tấm lòng thành dâng lên để cảm ơn ông. Trả cái ơn mà đời ông đã đưa đến cho mọi người, trong đó có tôi sự trân quý và ngưỡng mộ.

PV: Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành tiểu thuyết “Lộ diện” . Đây là tác phẩm văn học thứ mười của ông, trong đó đã tái hiện sâu sắc cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận phòng chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng, tiêu cực. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc đôi điều về tác phẩm này?

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu: Dưới sự chỉ đạo của Đảng, vừa qua chúng ta đã đưa nhiều vụ án tham nhũng lớn ra truy tố, xét xử; trong đó có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn biến rất phức tạp. “Lộ Diện” là sự tái hiện những sự kiện và con người trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra cũng rất cam go, quyết liệt.

trung-tuong-nguyen-tuan-dung-phai-va-nha-van-duong-thanh-bieu-deu-la-nguoi-linh-cung-tren-chien-truong-khi-xua.jpg
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu cùng Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) đều là Người lính cùng trên chiến trường khi xưa trong lễ ra mắt tiểu thuyết "Lộ Diện".

Trong tác phẩm, thành phố Hoàng Hà như đang thở gấp vì đại dịch covid bao vây. Bệnh viện quá tải, xe cứu thương hú còi thâu đêm. Cái chết do Covid gây ra thật khủng khiếp và là nỗi lo lắng đến tận cùng đối với từng gia đình và toàn xã hội. Cả nước đang tập trung nguồn lực, chung tay chia sẻ, cưu mang những mất mát, đau thương do đại dịch gây ra. Ấy vậy mà cái ác lại hoạt động ráo riết. Nhiều người vẫn chụm đầu vào nhau bày mưu tính kế. Vẫn đi cửa này, chạy vào cửa kia. Vẫn chi hàng tỷ đồng tiền mặt cho các phi vụ. Vẫn tiến hành đe dọa, khủng bố những người tốt có nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

ts-nha-van-duong-thanh-bieu-nguyen-pho-vien-truong-vksndtc-2-.jpg
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu và tiểu thuyết "Lộ Diện".

Với “Lộ Diện” tôi muốn cho người đọc một sự hình dung về những đường dây buôn bán, móc nối giữa các quan chức suy thoái với nhau; là cách để những kẻ xấu moi tiền của công và dùng nó vấy bẩn lên những người đang giữ các trọng trách của thành phố. Cuối cùng những kẻ tham nhũng bị vạch trần, đội ngũ những người có trách nhiệm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đoàn kết, lớn mạnh...

01-3-(1).png

PV: Nhiều độc giả thắc mắc phải chăng những câu chuyện từ cuộc đời mà ông đã chứng kiến, tham dự, tranh đấu đã khiến cho các sáng tác của ông mang đầy tính thời sự, hơi thở cuộc sống, đậm tính nhân văn?

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu: Trước đây tôi là người lính trận của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Hôm nay là người lính chiến đấu trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Thú thực những nhiệm vụ của người lính trên hai mặt trận: “đấu tranh chống ngoại xâm và đấu tranh chống nội xâm”, cùng những cảm xúc trong hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy tôi “bén duyên” với nghiệp văn chương. Viết về chiến tranh với những trận đánh khốc liệt, đầy hy sinh gian khổ của người lính trận; viết về hành trình đánh án với những cuộc đấu tranh cam go, phức tạp giữa cái tốt và cái xấu; giữa ánh sáng và bóng tối; giữa giả dối và chân thật; giữa cái ác và cái thiện; giữa cao thượng và thấp hèn…

ts-nha-van-duong-thanh-bieu-nguyen-pho-vien-truong-vksndtc-4-.jpg
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu cùng tác phẩm của mình.

Tuy những câu chuyện về “đánh án” mang tính khô khan, xơ cứng nhưng khi biến thành các tác phẩm mang tính nghệ thuật tôi hy vọng sẽ giúp cho người đọc cảm thấy được sự tốt đẹp, mục tiêu cao cả ngay từ chính các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó giúp bạn đọc thấu hiểu hơn về những cam go phức tạp của các hoạt động tư pháp góp phần vào sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo.

PV: Chất lính chiến phải chăng đã ảnh hưởng tới con người ông cũng như các sáng tác của mình? Ông có thể chia sẻ một vài kỉ niệm sâu sắc của mình trong đời lính?

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu: Đặc trưng những câu chuyện tư pháp là phản ảnh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác…Cho nên, khi xây dựng các tuyến nhân vật của tác phẩm, tôi rất chú ý đến tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Kể cả những nhân vật đại diện cho các chức danh tư pháp phải đặt trước những thách thức gay cấn, kể cả những cạm bẫy cuộc đời, để rồi có những người đứng vững, sáng ngời tấm gương bảo vệ chân lý (như Thẩm phán Phùng Lê Trân), hay những kẻ gục ngã, tha hóa phải chịu phán quyết của pháp luật.

z5404828635702_2b75caade674cda75cc64c5b9c260a46.jpg
TS. Nhà văn Dương Thanh Biểu chụp ảnh cùng các nguyên lãnh đạo Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3.

Tôi muốn nhấn mạnh trong tập truyện ký: Nỗi niềm người lính, câu chuyện “Cuộc gặp không hẹn trước” kể về cuộc chiến đấu giải phóng Đắc Tô – Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum. Năm 1972, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ Đắc Tô – Tân Cảnh. Đơn vị chúng tôi đã chiến đấu bắn rơi 1 chiếc máy bay phản lực, bắn bị thương 1 chiếc khi chúng đến ném bom cầu Diên Bình. Hòa bình, tôi chuyển ngành về VKSNDTC và năm 1992 thụ lý vụ án Lý Tống cướp máy bay tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong quá trình điều tra, Lý Tống là bị can rất ngoan cố, không nhận tội. Xem xong cáo trạng truy tố ra tòa, với đề xuất khung hình phạt cao nhất nhưng Lý Tống tỏ vẻ thách thức pháp luật. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tôi biết Tống là phi công đã bị đơn vị chúng tôi bắn rơi máy bay. Khi tôi vào phúc cung có kể cho Lý Tống nghe câu chuyện trước đây, đơn vị chúng tôi đã bắn rơi máy bay của Tống. Khi biết tôi là người chỉ huy đơn vị bắn rơi máy bay, khiến Lý Tống tỏ thái độ quy phục. Quá trình phúc cung, đã giải thích cho bị can Lý Tống về chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam: Chiếu cố, giảm nhẹ cho những người biết ăn năn hối cải, lập công chuộc tội…Từ đó Lý Tống nhận tội và khai báo trung thực. Sau đó phiên tòa sơ, chung thẩm của TANDTC đã tuyên Lý Tống 20 năm tù về tội cướp máy bay…Đây có lẽ là một trong những kỷ niệm rất đáng nhớ đối với tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu- nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, nguyên Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật sinh năm 1949 tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là cựu chiến binh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Chủ công bộ binh, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Binh đoàn Tây nguyên. Qua nhiều vị trí công tác, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cộng với tài năng vốn có, khả năng quan sát tinh tường, tâm hồn nhạy cảm, hướng thiện…đã thúc đẩy Tiến sĩ, Nhà văn Dương Thanh Biểu cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt đằng sau đó là những gửi gắm sâu sắc đến các thế hệ ngành Kiểm sát niềm tự hào sâu sắc khi khoác lên mình màu áo “thiên thanh”; là nghĩa vụ cao cả của người cán bộ kiểm sát luôn phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.

Đồ họa: Tuấn Dũng.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết về cái ác cũng là cách để nhận biết cái lương thiện