Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 4)

Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC)| 04/10/2014 11:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các kỳ trước, bài viết đã đề cập quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao tại Hoa Kỳ, Canada. Trong số báo này, bài viết tiếp tục đề cập quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao tại Úc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Bulgary, Hungary.

9. ÚC

Tòa án tối cao là Tòa án có thẩm quyền cao nhất tại Úc, có 7 Thẩm phán, trong đó 1 người là Chánh án.

Quy trình bổ nhiệm: Khi cần bổ sung Thẩm phán, Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang sẽ thông báo công khai về việc tuyển chọn Thẩm phán. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có thể gửi công văn cho các Tòa án liên bang để thông báo có đề cử ai không. Sau khi nhận được hồ sơ của các ứng cử viên, một Hội đồng tuyển chọn sẽ xem xét hồ sơ và phỏng vấn các ứng cử viên đó. Hội đồng tuyển chọn bao gồm: Chánh án Tòa án tối cao Úc đã nghỉ hưu, Chánh án Tòa án Liên bang, Thẩm phán Tòa án Liên bang đã nghỉ hưu, Thư ký Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Sau khi xem xét hồ sơ và phỏng vấn, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ứng viên được lựa chọn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ đề nghị lên Thủ tướng, Thủ tướng sẽ chuyển cho Toàn quyền liên bang ra quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ: Tất cả Thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi 70 (tuy nhiên, có thể xin nghỉ hưu sớm). Chánh án Tòa án tối cao và Chánh án Tòa án liên bang do các Thẩm phán của Tòa đó bầu lên.

10. TRUNG QUỐC

Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc có hơn 340 Thẩm phán. Tòa án nhân dân tối cao có 05 Tòa hình sự, 03 Tòa dân sự, Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa xét khiếu nại, 02 Tòa hộ tịch, Tòa giao thông vận tải.

Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán: Theo quy định tại Điều 9 Luật Thẩm phán thì điều kiện để trở thành Thẩm phán bao gồm là công dân Trung Quốc, trên 23 tuổi, tôn trọng Hiến pháp, có trình độ nghiệp vụ giỏi và phẩm chất tốt, có sức khỏe, đã công tác 01 năm đối với người có trình độ pháp luật chuyên nghiệp tốt nghiệp Học viện cao đẳng luật hoặc tốt nghiệp cao đẳng không chuyên về luật; đối với người có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ luật thì không yêu cầu về thời gian công tác.

Những người đủ điều kiện trên đây và đạt kết quả cao trong kỳ thi sẽ được lựa chọn để bổ nhiệm làm Thẩm phán hoặc Thẩm phán phụ thẩm (Điều 12 Luật Thẩm phán).

Các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Ủy viên Ủy ban Thẩm phán, Chánh tòa, Phó Chánh tòa được chọn trong số những Thẩm phán ưu tú (Hàng năm, các Thẩm phán Trung Quốc phải qua kỳ sát hạch. Kết quả sát hạch chia làm 03 loại: ưu tú, xứng đáng với chức vụ, không xứng đáng với chức vụ (Điều 22 Luật Thẩm phán).

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ của Chánh án trùng với nhiệm kỳ Quốc hội và Chánh án không được giữ cương vị này quá hai nhiệm kỳ (Điều 62 và Điều 123 Hiến pháp). Các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Ủy viên Ủy ban Thẩm phán, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự do Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Điều 11 và Điều 35 Luật Tổ chức Tòa án).

Nhiệm kỳ: Pháp luật chỉ quy định nhiệm kỳ đối với Chánh án còn các chức vụ từ Phó Chánh án trở xuống không quy định nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là Thẩm phán được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu, tuy nhiên, nếu Thẩm phán thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 13 Luật Thẩm phán thì sẽ bị bãi miễn, như: qua sát hạch không còn xứng đáng với chức vụ, phạm tội, vi phạm pháp luật…

11. LIÊN BANG NGA

Tòa án tối cao liên bang Nga là Tòa án cao nhất trong hệ thống Tòa án có thẩm quyền chung. Sau khi hệ thống Toà án kinh tế sáp nhập vào hệ thống Toà án thẩm quyền chung (ngày 06/02/2014), Toà án tối cao Liên bang Nga có 170 Thẩm phán.

Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán liên bang: Công dân Nga đủ 25 tuổi trở lên, có trình độ đại học luật, có 5 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý, đã thi đỗ kỳ thi tuyển chức danh Thẩm phán, có thể được bổ nhiệm Thẩm phán quận. Người có đủ tiêu chuẩn nêu trên, đủ 30 tuổi trở lên với 7 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý, có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán ở Tòa án cao nhất của các chủ thể liên bang. Người có đủ tiêu chuẩn trên, từ 35 tuổi trở lên với 10 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp lý có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao liên bang.

Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 4)

Đoàn đại biểu cấp cao Tòa án tối cao Liên bang Nga chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TANDTC Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 11/2011

Thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Nga do Hội đồng liên bang (Thượng viện) bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, mà đề nghị này dựa trên đề xuất của Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga.

Các Thẩm phán liên bang khác do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm theo để nghị của Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Nga.

Nhiệm kỳ: Các Thẩm phán được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi. Thẩm phán có thâm niên không dưới 10 năm và đang nghỉ hưu được coi là Thẩm phán danh dự. Thẩm phán đó có thể được mời thực hiện hoạt động xét xử với tư cách Thẩm phán theo quy định của Luật liên bang.

Các Chánh án (Phó Chánh án) các cấp Tòa án liên bang được bổ nhiệm với thời hạn 6 năm. Một người có thể được bổ nhiệm nhiều lần làm Chánh án (Phó Chánh án) của cùng một Tòa án, nhưng không quá hai lần liên tiếp.

12. BULGARY

Toà phá án tối cao có khoảng 100 Thẩm phán, bao gồm các Toà: Hình sự, Thương mại, Dân sự và Toà Hình sự về các vụ án đặc biệt. Toà phá án tối cao thường xét xử với Hội đồng gồm 3 Thẩm phán, trừ các trường hợp có quy định khác của pháp luật.

Bổ nhiệm Thẩm phán: Công dân Bulgary, có trình độ đại học luật, sau khi thi đỗ vào Học viện Tư pháp quốc gia, tốt nghiệp khoá học 9 tháng, sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán trong thời gian 2 năm. Trong thời gian này các Thẩm phán mới tiếp tục được các Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Các Thẩm phán có kinh nghiệm sẽ đánh giá công việc của các Thẩm phán mới. Trên cơ sở đánh giá này, Hội đồng tư pháp tối cao sẽ bổ nhiệm Thẩm phán (mới) đó làm Thẩm phán chính thức.

Chánh án Toà phá án tối cao được bổ nhiệm một lần duy nhất với nhiệm kỳ 7 năm. (Tổng thống bổ nhiệm, bãi nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Tư pháp tối cao).

Nhiệm kỳ: Thẩm phán được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi (Điều 129 khoản 3 điểm 1 Hiến pháp).

13. HUNGARY

Tòa án Công lý - Tòa án có thẩm quyền cao nhất tại Hungary, có tất cả 191 Thẩm phán. Hội đồng xét xử của Toà án Công lý khi xem xét lại các bản án đã có hiệu lực bao gồm 3 Thẩm phán; đối với các vụ án phức tạp, Hội đồng có thể bao gồm 5 Thẩm phán.

Chánh án Toà án Công lý do Quốc hội bầu trong số Thẩm phán Toà án Công lý với nhiệm kỳ 9 năm theo đề nghị của Tổng thống. Việc bầu Chánh án Toà án Công lý phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành (Điều 26 khoản 3 Hiến pháp).

Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán: Người đã làm Thư ký Toà án ít nhất một năm, từ 30 tuổi trở lên, công bố minh bạch tài sản, có đủ sức khoẻ về thể chất và tinh thần, về nguyên tắc, sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán. Quy trình bổ nhiệm Thẩm phán như sau:

- Chánh án các Toà án thông báo cho Chủ tịch Văn phòng Toà án quốc gia khi có vị trí công tác trống cần bổ nhiệm.

- Chủ tịch Văn phòng Toà án quốc gia thông báo về việc tuyển dụng Thẩm phán vào các vị trí này.

- Hội đồng tư pháp xem xét các hồ sơ, cho ý kiến về các ứng viên và đánh giá thông qua việc cho điểm trong thang điểm bổ nhiệm Thẩm phán. Thang điểm này được quy định tại Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và hành chính công.

- Chánh án Toà án nơi bổ nhiệm Thẩm phán sẽ đề xuất danh sách các ứng viên bổ nhiệm Thẩm phán lên Chủ tịch Văn phòng Toà án quốc gia: Chánh án các Toà án chỉ được đề xuất bổ nhiệm những ứng viên được Hội đồng tư pháp xếp ở vị trí thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Ngoài ra, khi Chánh án đề xuất bổ nhiệm các ứng viên được xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba, Chánh án phải gửi kèm theo một văn bản giải thích cho lựa chọn của mình.

- Chủ tịch Văn phòng Toà án gửi đề xuất lên Tổng thống để bổ nhiệm Thẩm phán. Chủ tịch Văn phòng Toà án có thể có ý kiến khác về thứ tự các hồ sơ so với ý kiến của Hội đồng tư pháp và có thể ủng hộ các ứng viên xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba nhưng phải nói rõ lý do bằng văn bản cho lựa chọn của mình.

Trong trường hợp bổ nhiệm Thẩm phán Toà án Công lý, Chánh án Toà án Công lý sẽ là người đánh giá ứng viên và gửi đề xuất lên Tổng thống để bổ nhiệm.

- Tổng thống là người bổ nhiệm Thẩm phán.

Nhiệm kỳ: Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu tiên có nhiệm kỳ 3 năm. Công việc của Thẩm phán được đánh giá trước khi kết thúc nhiệm kỳ tạm thời này, nếu đạt yêu cầu sẽ được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu là 70 tuổi. Việc đánh giá thứ hai sau 3 năm Thẩm phán được bổ nhiệm chính thức và sau đó được đánh giá 8 năm một lần và lần cuối cùng là 6 năm trước khi Thẩm phán đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, có thể có các đợt đánh giá đột xuất. Nếu Thẩm phán bị đánh giá là không phù hợp với vị trí của mình thì sẽ bị miễn nhiệm theo quy định về quy trình miễn nhiệm.

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 4)