Câu chuyện hơn 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk bị mất việc được dư luận rất quan tâm những ngày gần đây.
Dù sự việc được lý giải theo góc độ nào, do lỗi của ai thì có một sự thật không thể phủ nhận là hàng trăm con người đã từng tham gia vào sự nghiệp “trồng người” đang phải chịu sự thiệt thòi, cay đắng.
Việc giáo viên bị “ra đường” không chỉ xảy ra ở Đắk Lắk mà còn là vấn đề của một số địa phương khác. Một thời gian dài, do nhu cầu về giáo viên, nhiều nơi đã tuyển dụng giáo viên theo chế độ hợp đồng lao động. Những giáo viên hợp đồng, dù phải làm những công việc không khác gì giáo viên trong biên chế nhưng chế độ tiền lương được hưởng thấp hơn rất nhiều. Họ vẫn phải chấp nhận vì đã “trót” có tấm bằng sư phạm và vẫn miệt mài làm việc với hy vọng có một ngày được vào biên chế. Tuy nhiên, số lượng biên chế giáo dục ngày càng eo hẹp, một số bộ môn thậm chí không có chỉ tiêu. Thế nên sau kỳ thi công chức, ngoài những người may mắn thi đậu, còn đa số phải ngậm ngùi chia tay bục giảng.
Nếu nói một cách sòng phẳng và có phần lạnh lùng: theo quy định, không đỗ công chức thì phải chấp nhận nghỉ việc. Song với ngành giáo dục, câu chuyện không đơn giản như vậy. Thực tế ở một số địa phương, nhất là tại khu vực miền núi, trong những thời điểm nhất định, nhu cầu giáo viên hợp đồng là có thật và những người được tuyển theo chế độ hợp đồng không có lỗi. Bởi vậy, không thể nói đơn giản rằng không có nhu cầu thì cho giáo viên hợp đồng nghỉ việc. Tuy nhiên, giải quyết số lượng giáo viên “dôi dư” này như thế nào vẫn là bài toán nan giải.
Còn nhớ trước đây, khi vấn đề bỏ biên chế giáo dục được nêu ra, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến cho rằng không thể bỏ biên chế vì những hệ lụy khác nhau. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đến một thời điểm nào đó cần phải xem xét lại quy định về biên chế. Việc thi tuyển công chức lâu nay vẫn tồn tại những bất cập, cũng là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển. Nếu bỏ biên chế thì ngành giáo dục sẽ có tính cạnh tranh cao hơn, sử dụng được nhiều người tài hơn thay vì những viên chức “an phận” sau tấm “bùa hộ mệnh” biên chế. Việc tuyển dụng sẽ theo nhu cầu của các địa phương, các trường và những người có năng lực sẽ không lo bị thất nghiệp…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là ngành giáo dục phải có tầm nhìn xa hơn trong quy hoạch để xác định đúng nhu cầu, quy mô đào tạo giáo viên, tránh việc sử dụng nhân lực theo kiểu “thời vụ” mà không có kế hoạch lâu dài. Và có lẽ, đây cũng không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục.