Trong hai ngày 24 và 25/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam”.
Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Helen Clark, Tổng Giám đốc UNDP dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Hội thảo có sự tham dự của trên 200 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương và các nhà kinh tế của Việt Nam, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, học giả kinh tế đến từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Úc, Trung Quốc, Mỹ…
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Những thành tựu phát triển của Việt Nam trong gần 30 năm Đổi mới gắn liền với đổi mới tư duy phát triển và cải cách kinh tế, giúp Việt Nam bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, thay đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội, chia sẻ thành quả phát triển tới mọi miền, mọi người dân.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt của Việt Nam đến năm 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời chú trọng phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cải cách đồng bộ, bao gồm đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, tăng cường công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với ưu tiên hàng đầu về giáo dục và đào tạo và thực hiện tăng trưởng xanh. Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo sức bật mới cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trong tiến trình này, bên cạnh nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của UNDP và cộng đồng quốc tế.
Tổng Giám đốc UNDP Helen Clark đánh giá cao những thành tựu của công cuộc đổi mới, đặc biệt là các thành tựu về phát triển con người tại Việt Nam. Bà Helen Clark nhấn mạnh: Để thực hiện thành công tăng trưởng bao trùm và bền vững, một xu hướng mới trong chương trình nghị sự cải cách các mô hình phát triển trên thế giới hiện nay, Việt Nam nên tập trung nỗ lực vào các trọng tâm như: cải thiện năng suất, chất lượng trong trong sản xuất nông nghiệp, tạo dựng các ngành sản xuất giá trị cao, xác lập lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới; phân bổ và quản lý nguồn lực công hợp lý; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển con người thông qua cải thiện chất lượng giáo dục và cải cách các hệ thống bảo trợ xã hội.
Trong 3 phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận rất sôi nổi về “Cải cách kinh tế, phát triển lĩnh vực tài chính hướng tới tăng trưởng bao trùm và bền vững”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế thông qua thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển công nghiệp và nông thôn”; “Khai thác cơ hội, lợi ích từ hội nhập quốc tế và khu vực hướng tới phát triển bao trùm và bền vững”. Các học giả quốc tế đã chia sẻ các kinh nghiệm cụ thể của một số nước ASEAN và Đông Á về cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý các vấn đề của hệ thống ngân hàng, xây dựng năng lực công nghiệp, đổi mới nông nghiệp…
Bên cạnh đó, các diễn giả quốc tế phân tích sâu về bẫy thu nhập trung bình, kinh nghiệm một số nước trong khu vực về đổi mới thể chế kinh tế phù hợp với giai đoạn nâng cấp và hiện đại hóa nền kinh tế…, với nhiều gợi mở có thể giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng các cơ hội của hội nhập quốc tế để thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng bền vững, đặc biệt là tranh thủ lợi ích của các hiệp định thương mại tự do và xu hướng chuyển dịch các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.