Vấn đề quan tâm

Cách nào để “gỡ vướng" 2 dự án bệnh viện nghìn tỷ “đắp chiếu”?

Gia Khánh 10/10/2023 15:52

Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức (Tổ công tác) vừa có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025 và bố trí bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 cho Bộ Y tế 3.595 tỷ đồng.

Không đảm bảo được tiến độ theo đúng chủ trương

Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thực hiện theo Đề án 125/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/01/2014, thời gian thực hiện Đề án là giai đoạn 2013-2016. Tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019, Chính phủ đã chỉ đạo tiến độ của 02 dự án hoàn thành trong năm 2020 nhưng đến nay đã không đảm bảo được tiến độ theo đúng chủ trương nói trên.

0000-784.jpg
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2

Theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng số 62/2020/QH14 và Luật đầu tư công số 39/2019/QH14, thì thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là của người có thẩm quyền quyết định đầu tư (Bộ trưởng Bộ Y tế). Tuy nhiên, từ kết quả rà soát khó khăn, vướng mắc dự án đầu tư cư sở 2 bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong báo cáo mới đây, Tổ công tác trình Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đến hết 31/12/2025.

“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, Bộ Y tế sẽ tiến hành lập tiến độ chi tiết và ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hoàn thành, giải ngân thanh toán trước 31/12/2025”, báo cáo do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận thay mặt tổ công tác ký đề xuất.

Ngoài đề nghị cho phép Chủ đầu tư điều chỉnh phương thức thanh toán, điều chỉnh nội dung hợp đồng đã ký kết đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về về đấu thầu, xây dựng và pháp luật khác có liên quan, một trong những đề xuất quan trọng khác để tháo gỡ khó khăn đang tồn tại ở 2 dự án này chính là việc bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 52, Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án không quá 6 năm (đối với dự án nhóm A như ở 2 dự án này), nhưng các dự án hiện đã thực hiện quá thời hạn trên. Vì vậy, Tổ công tác cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đến hết 31/12/2025.

Cân đối bố trí bổ sung 3.595 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, tổng mức đầu tư được phê duyệt của 2 dự án là 9.958 tỷ, giai đoạn 2016-2020 cả 2 dự án đã được giao là 9.000 tỷ đồng (mỗi dự án là 4.500 tỷ đồng), số chưa được giao là 958 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số 9.000 tỷ đồng đã được giao, do tiến độ dự án bị chậm không giải ngân được, nên Kho bạc nhà nước đã thu hồi là 3.917 tỷ đồng.

Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, Bộ Y tế đã bố trí giao lại kế hoạch vốn là 1.277 tỷ đồng; số vốn chưa được giao lại là 2.640 tỷ đồng.

1(3).jpg
Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Vì vậy, để có thể “khởi động” lại dự án, Bộ Y tế đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét, cân đối bố trí bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 cho Bộ này là 3.598 tỷ, trong đó, 2.640 tỷ đồng (Dự án Bệnh viện Bạch Mai là 1.281 tỷ đồng Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 1.359 tỷ đồng) vốn đã bị thu hồi chưa được giao lại và 958 tỷ đồng chưa được giao (Dự án Bệnh viện Bạch Mai là 490 tỷ đồng, Dự án Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 468 tỷ đồng).

Theo nguồn tin của PV, liên quan đến nguồn vốn thực hiện 02 dự án, trong một văn bản góp ý gần đây, Bộ Tài chính cho biết, tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 và số 236/QĐTTg ngày 21/02/2022 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 2 dự án là 1.277 tỷ đồng (Dự án Bệnh viện Bạch Mai là 643 tỷ đồng, Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là 634 tỷ đồng).

Hiện nay, số kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 02 dự án trên chưa được Bộ Y tế phân bổ kế hoạch đầu tư công hàng năm do quá thời gian thực hiện theo quy định. “Trường hợp sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt phương án để tiếp tục triển khai 02 Dự án, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chỉnh 02 dự án, trong đó có điều chỉnh thời gian thực hiện để phân bổ kế hoạch vốn đầu tư hàng năm cho 02 dự án đã được giao kế hoạch trung hạn nêu trên để tiếp tục thực hiện theo quy định”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với số vốn đề nghị cấp bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 theo tổng mức đầu tư được duyệt và xem xét bố trí lại kế hoạch vốn đã giao từ năm 2020 không giải ngân hết bị thu hồi, Bộ Tài chính đề nghị Tổ công tác yêu cầu chủ đầu tư căn cứ quyết định phê duyệt điều chỉnh (sau khi đã có ý kiến của cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện) rà soát số vốn còn thiếu để báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào để “gỡ vướng" 2 dự án bệnh viện nghìn tỷ “đắp chiếu”?