Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện các bài đăng và bình luận mang tính chất vu khống, xúc phạm danh dự cá nhân liên quan đến bác sĩ Bùi Bỉnh Bảo Sơn – PGS. TS. Bác sĩ công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, hiện đang phụ trách Phòng khám chuyên khoa Nhi tại đường Nguyễn Công Trứ, quận Thuận Hóa, TP. Huế.
Các nội dung được đăng tải chủ yếu xoay quanh những cáo buộc cho rằng bác sĩ Sơn “kê đơn bậy” và “bán sữa giả”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và hoạt động của phòng khám. Những thông tin này nhanh chóng lan truyền, thu hút nhiều lượt bình luận tiêu cực, trong đó không ít lời lẽ mang tính xúc phạm, công kích thiếu căn cứ.
Bác sĩ Sơn cho biết: “Khi bệnh nhi đến khám, tôi tiến hành thăm khám, kê đơn điều trị và tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng tình trạng bệnh lý. Ví dụ, đối với trẻ bị tiêu chảy, tôi có tư vấn sử dụng sữa BÔLDMILK lactose-free; hoặc trong một số trường hợp trẻ có biểu hiện thiếu vitamin D, tôi cũng hướng dẫn bổ sung theo nhu cầu.
Tuy nhiên, một số tài khoản ẩn danh thiếu thông tin lại quy chụp rằng tôi "kê đơn bậy bạ" để bôi nhọ danh dự. Thực tế, việc mua thuốc hay sữa là do gia đình bệnh nhi tự quyết định, phòng khám không ép buộc. Những sản phẩm tôi tư vấn đều dựa trên thông tin ghi trên bao bì, giấy chứng nhận và bảng công bố chất lượng sản phẩm do cơ quan chức năng cấp phép”.
Dù vậy, vẫn có một số cá nhân đăng tải thông tin sai lệch, cho rằng bác sĩ Sơn “ép” người bệnh mua sữa giả, trong khi chưa có bất kỳ kết luận nào từ cơ quan chức năng.
Ông Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. Huế, cho biết: “Ngày 22/4, Bộ Công an công bố danh sách 12 sản phẩm sữa giả bị thu giữ trong vụ án liên quan đến đường dây sản xuất hàng giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Ngoài ra, còn có 72 loại sữa đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, loại sữa BÔLD MILK được bác sĩ Sơn tư vấn không nằm trong danh mục các sản phẩm bị thu giữ hay điều tra”.
Mạng xã hội là thành tựu của thời đại số, giúp kết nối con người và lan tỏa thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không ít cá nhân đã lợi dụng nền tảng này để đăng tải hình ảnh, thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Không khó để thấy dưới các bài viết đang gây chú ý trên mạng xã hội, luôn xuất hiện những bình luận tiêu cực, ác ý, làm tổn thương cá nhân liên quan và ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội.
Thượng tá Mai Văn Toàn – Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Huế – khuyến cáo: “Người sử dụng mạng xã hội khi đăng tải thông tin cần kiểm chứng rõ ràng, phân biệt đúng sai. Nhiều nội dung hiện nay lan truyền nhanh chóng trên mạng nhưng chưa được xác thực. Dù là vô tình hay cố ý, hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật đều có thể bị xử phạt nếu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về mặt pháp lý, ThS. Luật sư Đồng Toàn Diện (Đoàn Luật sư TP. Huế), phân tích: “Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, dù thực hiện qua Internet hay mạng xã hội, đều có thể bị xử lý. Cụ thể, theo Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân bị đưa thông tin sai sự thật có quyền yêu cầu tòa án buộc người đưa tin cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 (Tội làm nhục người khác) hoặc Điều 156 (Tội vu khống) của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù”.
Việc sử dụng mạng xã hội cần đi đôi với trách nhiệm pháp lý và đạo đức. Mỗi người cần tỉnh táo, cẩn trọng trước khi chia sẻ hay bình luận để không trở thành nạn nhân hoặc đồng phạm của những hành vi sai trái trên không gian mạng.