Nhằm giảm áp lực học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị với Chính phủ, học phí năm 2022 của các đại học chưa đảm bảo chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% với năm ngoái.
Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều kiến nghị về mức thu học phí tại trường phổ thông, đại học.
Theo kế hoạch, năm học 2022-2023 sắp tới, các trường sẽ áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Tại khung này, mức trần học phí tất cả khối ngành của trường đại học tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm. Trong đó, khối Y dược, ngành sức khỏe khác tăng mạnh nhất với 4,2-10,2 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị lùi áp dụng khung học phí mới này thêm một năm. Khi đó, học phí năm học 2022-2023 của các đại học chưa đảm bảo chi thường xuyên được tăng nhưng không quá 15% so với mức thu của năm 2021-2022.
Với đại học công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần của trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Hệ số này được giữ nguyên theo Nghị định 81/2021.
Trước đó vào giữa tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023.
Hiện nhiều đại học đã công bố đề án tuyển sinh, trong đó đề cập mức học phí dự kiến áp dụng trong năm học 2022-2023. Hầu hết các trường đều lên kế hoạch tăng học phí, một số chương trình tăng 50-70%.
Đầu tháng 4, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố học phí dự kiến của năm 2022 là 42 triệu đồng một năm, cao hơn mức thu năm 2021 khoảng 0,7-1,3 triệu đồng, tương đương tăng 20-37%.
Cuối tháng 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra học phí dự kiến theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí các hệ còn lại dao động 440.000 - 1,32 triệu đồng/tín chỉ, tăng cao nhất hơn 70% mức thu năm ngoái. Tương tự, trường Đại học Luật Hà Nội cũng dự kiến tăng khoảng 50% học phí năm tới.
Ở phía Nam, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.
Tuy nhiên, đề xuất học phí đại học tăng không quá 15% sẽ chỉ áp dụng tại các trường công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên. Với những đại học tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần, học phí tối đa có thể gấp 2-2,5 lần mức trần của các trường chưa tự chủ. Nếu có những chương trình đạt kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường đại học được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.
Việc học phí tăng, phụ huynh thêm gánh nặng có thể khiến nhiều thí sinh phải từ bỏ ngành và trường ước mơ do không kham nổi chi phí. Nhằm hỗ trợ người học, nhiều trường cam kết trích nguồn thu để cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo. Một số đại học như Kinh tế quốc dân duy trì một mức học phí trong bốn năm liên tiếp, hai trường Thương mại, Ngoại thương tăng nhẹ.
Cũng tại phiên họp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023 với ngân sách ước tính 25.199 tỷ đồng trong ba năm 2022-2024.
Với bậc mầm non và THPT công lập, Bộ cũng kiến nghị giữ duy trì mức học phí năm học 2021-2022 trong năm học 2022-2023 sắp tới. Nếu các địa phương đã ban hành nghị quyết về mức thu học phí năm tới theo Nghị định 81/2021, UBND cấp tỉnh sẽ trình HĐND cho phép địa phương tiếp tục thu học phí theo mức năm ngoái.
Từ năm 2023-2023, HĐND cấp tỉnh sẽ điều chỉnh khung và mức học phí với bậc mầm non, THPT theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.