Bão số 6 tiếp tục mạnh thêm và giữ nguyên hướng di chuyển Tây Tây Bắc. Từ chiều tối và đêm nay, bão sẽ gây mưa lớn ở Bắc Bộ, các tỉnh trung du và vùng núi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, bão số 6 tiếp tục mạnh lên và giữ nguyên hướng di chuyển với tốc độ 25km/h, lúc 4 giờ ngày 23/8, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Dự báo trong 09 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, khoảng trưa nay bão sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Dự báo trong 09 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) sau đó suy yếu dần.
Đến 04 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở nằm trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây. Sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua gió bão cấp 11-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Các tỉnh vùng núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay (23/8) ở Vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7; từ chiều tối nay, ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa, gió mạnh dần lên cấp 6, riêng phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ gần sáng mai (24/8) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m, biển động.
Trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn trong đêm nay và sáng mai (24/8) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biên giới các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang có gió giật cấp 7.
Từ chiều tối và đêm nay (23/8) đến ngày 25/8 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to (Tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu 250-300mm/đợt).
Liên quan đến công tác phòng chống bão, tối 22/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có văn bản số 363 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Theo đó, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức, cá nhân có hoạt động tại khu vực lòng sông, bãi sông; cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên sông, phương tiện vận tải thuỷ; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ các hồ thuỷ điện để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Từ ngày 24/8 đến ngày 26/8, trên thượng lưu sông Hồng-Thái Bình, sông Kỳ Cùng và Lạng Sơn có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 1,5-2,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn và trên sông Bằng Giang tại Cao Bằng có khả năng đạt mức BĐ 1 đến BĐ 2. Trung tâm đưa ra cảnh báo: Sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các địa phương: tỉnh Lạng Sơn gồm các huyện: Bình Gia, Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Quan; tỉnh Cao Bằng gồm: Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lâm, Hạ Lang, Trà Lĩnh; tỉnh Quảng Ninh gồm các huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hoành Bồ. Tỉnh Lai Châu: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường; tỉnh Sơn La: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp, Vân Hồ; tỉnh Điện Biên: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng. Tỉnh Lào Cai: Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng, Si Ma Cai, Bảo Yên; tỉnh Yên Bái: Yên Bình, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Bắc Quang, Vị Xuyên; tỉnh Tuyên Quang: Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; tỉnh Bắc Cạn: Ba Bể, Ngân Sơn. Ngập úng ở vùng trũng, vùng thấp và các đô thị có khả năng xảy ra tại nhiều nơi như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội,… |