Phóng sự - Ghi chép

Băng rừng tìm “tuổi” cho cây

Trang Việt 26/01/2024 - 06:47

Với mỗi vụ án, để có được sự công bằng thì người Thẩm phán luôn phải tìm ra những sự thật ẩn khuất để phục vụ cho việc xét xử. Nhất là những vụ án liên quan đến tranh chấp về rừng, người Thẩm phán không chỉ tìm kiếm lẽ phải qua những tình tiết có trong hồ sơ, mà họ cũng phải đối mặt với những gian nguy, nỗi vất vả mỗi khi băng rừng, vượt suối để xác minh thực địa và tìm "tuổi” cho cây.

anh-1-tham-phan-nong-thi-my-phuoc(1).jpg
Thẩm phán Nông Thị Mỹ Phước, TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn trong một lần đi kiểm đếm, đo đạc và lấy mẫu để giám định tuổi cây cho vụ án tranh chấp đất rừng trên địa bàn.

Ngược sơn vì công lý

Khi thời tiết vào đông, cũng là giai đoạn mà xứ Lạng phải hứng chịu những cơn rét đến thấu xương, chẳng ai muốn đi ra khỏi nhà nếu không có việc quan trọng. Vậy nhưng, vì nhiệm vụ và cũng vì giữ gìn công lý, những người Thẩm phán nơi đây vẫn phải băng rừng, vượt suối để những mong tìm ra sự công bằng trong mỗi vụ án.

Mới đây, tôi có dịp được cùng đoàn cán bộ của TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đi giám định thực tế về vụ án tranh chấp đất rừng tại một xã vùng cao trong huyện. Hôm đó, mặt trời còn chưa ló rạng, sương mù giăng ngập lối, đoàn chúng tôi đã lên đường.

Từ trung tâm của huyện vào khu vực rừng tranh chấp cũng không xa lắm, chỉ mấy chục cây số, nhưng bởi là đường rừng, nên mấy chục cây số cũng phải bằng thời gian di chuyển cả trăm kilomet dưới xuôi. Nếu thời tiết thuận lợi thì không sao, vào những hôm mưa hay gió rét thì không thể nói trước được điều gì, vậy nên các thành viên trong đoàn ai cũng chuẩn bị kỹ cho mình những trang phục cần thiết cho hành trình vượt suối, băng rừng.

Tất nhiên, chuyến đi cũng không thể thiếu được đồ ăn, thức uống nhẹ, để đề phòng trường hợp không may quá trưa mà vẫn còn phải ở lại trong rừng. Đoàn công tác do Thẩm phán Nông Thị Mỹ Phước dẫn đầu, sắp xếp và chỉ đạo công việc.

Khi xe rời khỏi trung tâm thị trấn cũng là thời điểm trời hửng sáng. Thời tiết mùa đông nên sương lạnh và mây mù giăng kín những cung đường. Để xua tan đi những băng giá, mây mù phía trước, Thẩm phán Phước bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi tương tự mà chị đã trải qua trong suốt “cuộc hành trình bảo vệ công lý” của mình.

Chị Phước kể, vào thời điểm mùa mưa năm trước, TAND huyện thụ lý một vụ án về tranh chấp đất rừng ở xã Hữu Lễ. Đây là địa phương xa và đường đi vào thuộc tuyến khó nhất của huyện, hơn nữa lại là vào mùa mưa nên di chuyển càng khó khăn hơn. Do địa hình khu vực tranh chấp cao và sâu trên núi, nên xe ô tô của đoàn chỉ có thể vào đến trung tâm xã là phải xuống, rồi tiếp tục di chuyển thêm bằng xe máy vào tới chân núi, đi bộ thêm hơn 30 phút nữa mới có thể lên tới tận nơi.

“Lần đó, do trời mưa nên con đường mòn vào rừng mà người dân hay đi trơn hơn mọi ngày. Đồ đạc để phục vụ công tác được buộc lên lưng, để trên tay của mỗi người đều phải cầm 2 khúc gậy, rồi hình thành “thế trận 4 chân” cho khỏi ngã. Có mấy lần, một thành viên trong đoàn là cô Thư ký đã trượt chân và lăn dài trên con dốc, cũng may là đoạn dốc không cao và có cây nên còn bám trụ vào được. Cú ngã đó đã làm cho cả đoàn hú vía".

Qua câu chuyện, Thẩm phán Phước như muốn thông báo cho chúng tôi biết trước về những khó khăn mà đoàn sẽ phải vượt qua, cũng là để một người mới như tôi có thêm sự chuẩn bị về tâm lý để đối mặt với những cung đường gian nan còn đang chờ ở phía trước.

Cứ thế, những câu chuyện, những kỷ niệm về các chuyến lội suối, băng rừng vô vàn gian khổ, nhọc nhằn của vị “Thuyền trưởng” trong đoàn cứ kéo dài ra mãi, chúng tôi đến gần với khoảnh rừng mà đang xảy ra tranh chấp lúc nào không hay. Đến đây, xe không đi được, tất cả anh em trong đoàn phải xuống đi bộ. Và hành trình vượt đèo, leo dốc, băng rừng để đo đạc, kiểm đếm, định giá và “tìm tuổi cho cây” cũng chính thức bắt đầu.

Đi đến tận cùng sự thật

Mấy năm trở lại đây, xã hội phát triển nên cuộc sống của người dân miền núi cũng ngày một tăng cao hơn, để từng bước theo kịp với xu hướng chung của toàn xã hội. Văn Quan cũng vậy. Là một trong những địa phương có cây hồi cho năng xuất kinh tế cao, mấy năm nay cây đến tuổi thu hoạch, lại được giá nên đời sống người dân khấm khá hẳn lên. Tuy nhiên, đi đôi với việc kinh tế phát triển thì cũng không tránh khỏi việc phát sinh những huệ lụy, tính chất tiêu cực như: tệ nạn xã hội, tranh chấp tài sản, đất đai… Cụ thể như những việc liên quan đến tranh chấp đất rừng giữa hàng xóm, hay anh em trong cùng gia đình, đến mức lại phải kéo nhau lên tòa, để rồi lại đặt lên vai những người Thẩm phán trách nhiệm phân xử.

anh-2-chanh-an-tand-huyen-van-quan(1).jpg
Thẩm phán Hoàng Thị Thu Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn trong một lần vào rừng để xác minh, đo đạc và lấy mẫu cây làm giám định tuổi phục vụ cho công tác xét xử.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Hoàng Thị Thu Hường, Chánh án TAND huyện Văn Quan cho biết, trong vài năm gần đây, kinh tế đồi rừng phát triển đặc biệt là cây hồi, nên các tranh chấp liên quan đến đất rừng còn phức tạp. Mỗi năm đơn vị thụ lý trên 30 vụ tranh chấp đất rừng và hàng năm đều có dấu hiệu gia tăng về số lượng.

Việc giải quyết tranh chấp còn tương đối khó khăn và thường xuyên bị kéo dài do nhiều lý do khác nhau, từ việc giao đất giao rừng thời kỳ từ 1994 - 1998 không cụ thể, rồi việc quản lý canh tác của người dân không thường xuyên, canh tác chồng lấn… Có những vụ án hồ sơ quản lý đất đai không có hoặc có nhưng không đầy đủ, không chính xác, các bên đương sự đều trình bày mình là người thực tế quản lý, canh tác, và khác nhau tương đối xa về thời gian canh tác hoặc một trong hai bên xác định được thời gian trồng cây. Lúc này Thẩm phán phải tiến hành giám định tuổi cây để có thêm cơ sở đánh giá chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án.

Nhớ về một vụ án trước đó, nguyên đơn Nông Thị D và bị đơn là Hoàng Văn B, hai người là chị dâu em chồng cùng sinh sống tại thôn Nam (xã Yên Phúc, huyện Văn Quan), tranh chấp diện tích đất 2.169m2. Trên đất có các cây hồi ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Khi ra tòa, bên nguyên đơn cho rằng các cây hồi già trồng những năm 1984 - 1985, cây hồi non trồng 2018, còn bị đơn lại cho rằng cây hồi già trồng năm 1973 - 1974, cây hồi non trồng năm 2012.

Vậy nên, để có cơ sở giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành trưng cầu giám định tuổi cây hồi và cắt hai mẫu cây ở hai độ tuổi đi giám định. Kết quả giám định phù hợp với lời khai của nguyên đơn. Nhưng do diện tích đất tranh chấp thuộc 3 thửa đất liền kề nhau trong đó có một phần diện tích đất đã được cấp GCNQSD đất cho bị đơn. Vì vậy, Thẩm phán đã mở phiên hòa giải, phân tích, thuyết phục các bên đương sự đưa ra phương án hòa giải nhằm chấm dứt mâu thuẫn và giữ hòa khí trong gia đình.

“Ban đầu các bên đương sự đều khăng khăng giữ nguyên ý kiến của mình. Nhưng nhờ có sự phân tích thấu tình đạt lý của Thẩm phán và dựa vào kết quả trưng cầu giám định tuổi cây, nên bên bị đơn đã chấp nhận để nguyên đơn quản lý và sử dụng phần lớn diện tích đất tranh chấp là 1.759,6m2, bị đơn quản lý, sử dụng 409,4m2 đất còn lại”, Chánh án Hường chia sẻ.

Dù khó khăn là vậy, song cũng vì công việc, vì khát vọng “đi đến tận cùng sự thật” mà cán bộ các Tòa án vẫn “cõng” hành trang, thiết bị đi nhiều chục, thậm chí nhiều trăm cây số đường rừng. Mà đường rừng thì quá xa, nhiều đoạn đi cứ như khỉ trên vách núi, chỉ cần sơ sểnh một chút là có khi phải trả giá bằng mạng sống. Thế nhưng, năm này qua năm khác, họ vẫn miệt mài đi mãi về những miền heo hút.

Cứ thế, mỗi năm có đến hàng trăm vụ án tranh chấp đất rừng mà các đơn vị Tòa án miền núi phải thụ lý trên toàn quốc. Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những người cán bộ Tòa án như chị Phước, chị Hường… đã phải vượt qua. Và càng không thể đong đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi và công sức của những con người như thế đổ xuống để hướng đến một xã hội văn minh, bình đẳng và bác ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băng rừng tìm “tuổi” cho cây