Tòa án địa phương

TAND tỉnh Phú Thọ hướng tới 100% Thẩm phán sử dụng, tương tác với “Trợ lý ảo”

Mạnh Hùng 10/01/2024 - 21:24

Theo kế hoạch của TAND tỉnh Phú Thọ, năm 2024, 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm “Trợ lý ảo”.

f616fecb-c425-4fec-8b42-43b18ea586ea.jpeg
Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024 của TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ

Mới đây, TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024. Tham dự Hội nghị có Chánh án, các Phó Chánh án TAND tỉnh cùng 13 Chánh án TAND cấp huyện và các cán bộ công chức của đơn vị.

Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm

Theo Báo cáo Tổng kết công tác Tòa án năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ, năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ đã thụ lý 6.161 vụ, việc; giải quyết 5.901 vụ, việc (đạt tỷ lệ 95,8%).

Số vụ việc được giải quyết theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 1.131. Số vụ, việc còn lại là 260 vụ, việc (do mới thụ lý, đang trong thời hạn giải quyết, trong đó có 38 vụ việc tạm đình chỉ). So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 612 vụ, số giải quyết tăng 746 vụ, số vụ việc giải quyết theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tăng 191 vụ.

Về công tác xét xử các vụ án hình sự, Tòa án hai cấp đã thụ lý 1.187 vụ/2.632 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 1.161 vụ/2.409 bị cáo, đạt tỷ lệ 97,8% số vụ và 91,5% số bị cáo. Số vụ án còn lại là 26 vụ/223 bị cáo. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 189 vụ, số giải quyết tăng 208 vụ.

Cụ thể, cấp tỉnh thụ lý 257 vụ/603 bị cáo, giải quyết 255 vụ/492 bị cáo, đạt tỷ lệ 99,2% số vụ và 81,6% số bị cáo. Trong đó, theo thủ tục sơ thẩm, phía tòa án đã thụ lý 122 vụ/440 bị cáo, giải quyết, xét xử 120 vụ/329 bị cáo (có 01 vụ/02 bị cáo đình chỉ do chết trước khi xét xử). Theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án thụ lý và giải quyết 135 vụ/163 bị cáo, đạt tỷ lệ 100%.

Tòa án cấp huyện thụ lý 930 vụ/2.029 bị cáo, giải quyết 906 vụ/1.917 bị cáo, đạt tỷ lệ 97,4% số vụ và 94,5% số bị cáo. Trong đó, xét xử 901 vụ/1.912 bị cáo, đình chỉ 05 vụ/05 bị cáo (Lý do: Bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố).

Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm; đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử 74 vụ án trọng điểm, xét xử theo thủ tục rút gọn được 11 vụ. Tòa án hai cấp đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 07 vụ/23 bị cáo.

0377bf6b-b069-4d6b-a4c3-9ac1bc03f713.jpeg
Đồng chí Đỗ Ngọc Tuấn, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ trao "Cờ thi đua Tòa án nhân dân" cho tập thể TAND huyện Lâm Thao vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác

Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện có trường hợp nào kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Về án dân sự (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động), TAND hai cấp đã thụ lý 4.923 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 4.690 vụ việc, đạt tỷ lệ 95,3%. So với cùng kỳ năm 2022, số thụ lý tăng 406 vụ, việc; số giải quyết tăng 373 vụ, việc.

Về án hành chính, Tòa án hai cấp đã thụ lý 51 vụ, đã giải quyết, xét xử 50 vụ, đạt tỷ lệ 98% (So với năm 2022, số thụ lý và giải quyết tăng 17 vụ, tương đương 42%).

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ, các khiếu kiện hành chính thường liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai (thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, giải phóng mặt bằng). Tòa án đã chú trọng công tác tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, đồng thời phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng hồ sơ vụ án, thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời.

Số lượng các loại vụ, việc phải giải quyết ngày càng tăng

Theo nhận định của lãnh đạo Tòa án, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch công tác năm 2023 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong tình hình tội phạm hình sự vẫn có xu hướng tăng mạnh, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng và phức tạp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, vẫn còn có bản án phải thông báo, sửa chữa, bổ sung. Còn có vụ án dân sự, hôn nhân gia đình bị tạm đình chỉ kéo dài. Có những vụ án phải hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Thẩm phán.

Chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp tại một số phiên tòa còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ theo các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và đảm bảo an ninh mạng còn bị hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế phải kể đến số lượng các loại vụ, việc phải giải quyết với tính chất và mức độ phức tạp ngày càng tăng trong khi tổng số biên chế không tăng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, do trình độ và sự hiểu biết pháp luật của bị cáo cũng như của các đương sự còn bị hạn chế nên chất lượng tranh tụng tại phiên tòa còn chưa cao. Việc nghiên cứu hồ sơ để giải quyết các vụ, việc của một số Thẩm phán mới được bổ nhiệm còn thiếu sót nên vẫn có những vụ án bị hủy, sửa.

Nhiều vụ án dân sự, hành chính mới thụ lý, đang trong thời hạn giải quyết. Một số vụ án chưa có kết quả ủy thác tư pháp, sự thiếu hợp tác của người tham gia tố tụng... dẫn đến việc Tòa án phải tạm đình chỉ, vụ án bị kéo dài. Việc cử người tham gia hội đồng định giá tài sản và cung cấp tài liệu, chứng cứ... của một số cơ quan hữu quan còn chậm.

0ba421b1-3b0f-4654-940d-0cfac0997fd1.jpeg
Lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh Phú Thọ chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024

Trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin không có, nên chưa thực hiện tốt các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cùng với sự hội nhập sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, trong thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, xuất hiện một số loại tội phạm mới, phương thức thực hiện hành vi phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi hơn với nhiều thủ đoạn mới.

Các tranh chấp dân sự, hành chính ngày càng tăng và phức tạp hơn, tác động trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của Tòa án.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, TAND tỉnh Phú Thọ đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, TANDTC, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có liên quan đến hoạt động của TAND và công tác cải cách tư pháp, Tòa án cũng sẽ tiếp tục hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội về công tác tư pháp, TANDTC giao năm 2024.

Cụ thể, bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 95% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 90% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 80% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án…

100% các bản án, quyết định thuộc trường hợp công bố phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triến thành án lệ. 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 01 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Làm tốt công tác xây dựng Đảng. Thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của BCH TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì công lý” đảm bảo thực chất, sáng tạo, bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tòa án, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của đơn vị.

Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch mọi hoạt động của Tòa án. Khai thác và sử dụng hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung, phần mềm Trợ lý ảo và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án.

Về hợp tác quốc tế, Tòa án tiếp tục thực hiện các nội dung theo Biên bản ghi nhớ đã ký kết với TAND tỉnh Luổng Nặm Tha, Lào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Phú Thọ hướng tới 100% Thẩm phán sử dụng, tương tác với “Trợ lý ảo”