Sai phạm tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Góc nhìn của luật sư về việc xác định tội danh với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa

Nhóm PV| 26/02/2019 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo các quy định của pháp luật khi đánh giá hành vi để xác định tội danh là rất cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Theo nội dung vụ việc Báo Công lý đã thông tin, ngày 14/9/2014, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên Bản án số 19/2016/HSST về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - Nguyễn Tài cùng nhiều cán bộ cấp dưới trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (DA).

Theo đó, 16 bị cáo, trong đó Nguyễn Tài lĩnh 12 năm tù, Nguyễn Kích 10 năm tù, Huỳnh Ngọc Thắng 4 năm tù... Sau đó, Bản án số 236/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành ngày 25/9/2017 đã khẳng định “chưa đủ căn cứ kết tội” đối với các bị cáo trong vụ án nêu trên…

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, phóng viên Báo Công lý đã có buổi trao đổi với luật sư Ngô Thành Ba, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Sai phạm tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Góc nhìn của luật sư về việc xác định tội danh với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa

Luật sư Ngô Thành Ba, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội    

Phóng viên:Xin luật sư cho biết khái quát về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”? Kiểm sát viên VKSND tỉnh Phú Yên đã luận tội dựa trên những hành vi nào của ông Nguyễn Tài trong vụ án nêu trên?

Luật sư Ngô Thành Ba: Tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án nên trên, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Phú Yên luận tội đối với ba hành vi chính của ông Nguyễn Tài, đó là việc chỉ đạo cấp dưới làm sai quy trình, quy định về lập, thẩm định và duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô; chỉ đạo bồi thường giá trị nhà xây dựng trái phép cho bà Võ Thị Nương; chỉ đạo để ông Nguyễn Hữu Phí được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất vượt hạn mức gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước. Từ đó, Kiểm sát viên giữ quyền công tố khẳng định, ông Nguyễn Tài đã cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án số 236/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành ngày 25/9/2017 đã khẳng định “chưa đủ căn cứ kết tội” đối với các bị cáo trong vụ án nêu trên. Theo quan điểm cá nhân của tôi, kết luận này của Hội đồng xét xử là hoàn toàn xác đáng, công tâm, tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong việc xác định cấu thành tội phạm của tội danh và việc đánh giá chứng cứ một cách chính xác, nhất quán, khoa học.

Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có bốn yếu tố cấu thành đó là khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan.

Phóng viên: Vậy theo luật sư thì hành vi của ông Nguyễn Tài đã xâm phạm đến khách thể của tội phạm chưa?

Luật sư Ngô Thành Ba: Khách thể của “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước.

VKSND tỉnh Phú Yên cho rằng ông Nguyễn Tài đã chỉ đạo thuộc cấp bỏ qua quy trình lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư giai đoạn 1 theo Quyết định 806 là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước, do đó cần phải được trừng phạt nghiêm khắc.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi không thấy có bất cứ một văn bản nào của ông Nguyễn Tài có nội dung chỉ đạo thuộc cấp bỏ qua quy trình thẩm định dự án. Những gì trong hồ sơ thể hiện chỉ là lời khai một phía từ thuộc cấp của ông Tài mà không có văn bản, bản ghi âm, ghi hình chứng minh. Hơn nữa, lời khai của những thành viên là thuộc cấp của ông Tài cũng không thể được đưa ra xem xét như chứng cứ kết tội ông Tài được, bởi sự mâu thuẫn về lợi ích của những người cung cấp lời khai và của đối tượng được khai là có tội mâu thuẫn nhau, do đó không còn có sự khách quan, công tâm trong nội dung của lời khai. Bởi vậy, không đủ bằng chứng chứng minh rằng ông Nguyễn Tài đã xâm phạm đến chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước được.

Sai phạm tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Góc nhìn của luật sư về việc xác định tội danh với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa

Hàng loạt các bị cáo nguyên là cán bộ huyện Đông Hòa, Phú Yên bị đưa ra xét xử

Phóng viên: Luật sư đánh giá vai trò của ông Nguyễn Tài trong vụ án này như thế nào?

Luật sư Ngô Thành Ba: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh, dịch vụ… của Nhà nước. Người đồng phạm có thể là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào Quyết định số 229/QĐ-UBND của UBND huyện Đông Hòa ban hành ngày 03/4/2013 thì với vai trò là Trưởng ban GPMB, ông Huỳnh Ngọc Sương là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án. Căn cứ vào Quyết định số 34 và 35/QĐ-TTPTQĐ của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa ban hành ngày 01/7/2013 thì ông Nguyễn Kích với vai trò là Tổ trưởng Tổ kiểm kê dự án phải chịu trách nhiệm chính về việc kiểm kê tài sản sai so với thực tế.

Trong việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô diễn ra tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, với tư cách là Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, ông Nguyễn Tài chỉ là người đưa ra những chỉ đạo mang tính định hướng chung chứ không đi vào chỉ đạo chi tiết từng trường hợp cụ thể. Hay nói cách khác, ông Nguyễn Tài không phải là người được giao xử lý trực tiếp việc giải phóng mặt bằng, kiểm kê tài sản để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phóng viên: Những hành vi mà ông Nguyễn Tài đã thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội phạm về mặt khách quan chưa, thưa luật sư?

Luật sư Ngô Thành Ba: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ở đây được hiểu là những quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hành vi cố ý làm trái có thể là thực hiện không đúng (hành động) hoặc không thực hiện (không hành động) các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng. Còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn như là một điều kiện, phương tiện, là tiền đề để thực hiện tội phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới một trăm triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là thiệt hại về vật chất cụ thể hoặc có thể là những hậu quả về chính trị, xã hội, như: làm rối loạn thị trường, làm trì trệ sản xuất, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới những hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước.

Như tôi đã phân tích trong phần khách thể của tội phạm, toàn bộ hồ sơ vụ án không thể hiện được việc ông Nguyễn Tài đã có hành vi chỉ đạo thuộc cấp bỏ qua quy trình thẩm định, niêm yết công khai, lấy ý kiến của người dân đối với phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư theo Quyết định số 806 nên không thể buộc tội ông Nguyễn Tài có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” được.

Tôi đồng tình với ông Quách Đức Dũng - Kiểm sát viên VKSND cấp cao tại Đà Nẵng khi thể hiện quan điểm tại phiên Tòa ngày 25/9/2017 diễn ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ông Dũng cho rằng: “Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra chỉ trưng cầu giám định tính hợp lệ của Quyết định số 806 và việc bồi thường, hỗ trợ cho Nguyễn Hữu Phí nhưng trong 06 giám định viên của Sở Tài nguyên và Môi trường  tỉnh Phú Yên được Cơ quan điều tra  trưng cầu giám định thì chỉ có 02 người làm giám định viên tư pháp, không có giám định viên về tài chính trong lĩnh vực đất đai thẩm định nên không đủ căn cứ kết tội các bị cáo”.

Tại bản án số 236/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành ngày 25/9/2017, HĐXX đã nhận định “Quyết định 806 chưa được niêm yết công khai, chưa được thẩm định cũng chỉ vi phạm về trình tự, thủ tục khi thực hiện các quy định của pháp luật về bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, nếu sau khi được thẩm định không làm thay đổi nội dung cũng như số tiền phải bồi thường, hỗ trợ như Quyết định 806 thì các bị cáo cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Phóng viên: Theo luật sư, hành vi của ông Nguyễn Tài có đáp ứng đủ yêu cầu về mặt chủ quan của tội phạm này hay không?

Luật sư Ngô Thành Ba: Người phạm tội này với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Nghĩa là người phạm tội nhận thức được hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả sẽ xảy ra nhưng vì vụ lợi hay động cơ cá nhân khác nên người phạm tội mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Trong quá trình điều tra, không có bất cứ một tài liệu hay lời khai nào chứng minh được rằng ông Nguyễn Tài được hưởng lợi ích vật chất từ việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Tuy rằng đây không phải là yếu tố bắt buộc nhưng chúng ta có thể thấy, ông Nguyễn Tài không có bất cứ động cơ, mục đích nào để thực hiện tội phạm một cách “cố ý” để rồi phải nhận một mức án là 12 năm tù (bản án số 19/2016/HSST của TAND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 14/9/2016).

Tuy rằng, bản án này đã được tuyên hủy bằng bản án số 236/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng với lý do: “chưa đủ căn cứ kết tội” và yêu cầu “Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên điều tra lại vụ án theo quy định”. Nhưng nội dung bản Cáo trạng số 23/CT-VKS-P3 của VKSND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 15/11/2018 cũng không giải quyết được những yêu cầu mà TAND cấp cao tại Đà Nẵng đặt ra khi không tiến hành giám định lại hậu quả của thiệt hại.

Bởi vậy, người dân thực sự mong đợi phiên tòa sơ thẩm sắp tới của TAND tỉnh Phú Yên có thể làm rõ hành vi và vai trò của từng người trong vụ án, thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội” đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ kết tội, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn luật sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm tại dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Góc nhìn của luật sư về việc xác định tội danh với nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa