Để ngăn ruồi muỗi, mùi hôi thối từ bãi rác, người dân đành đóng cửa im ỉm suốt ngày, có khi bữa cơm của nhiều gia đình cũng phải mắc màn để ăn, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Đó là thực trạng đang diễn ra tại xóm 5, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), khi vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, kèm theo ruồi, muỗi đặc kín tấn công từ bãi rác thải tập trung của huyện Quỳnh Lưu được xây dựng.
Xóm 5, xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hiện có 160 hộ dân sinh sống, trong đó có những hộ dân ở cách bãi rác chừng 500m. Theo đó, bãi rác thải tập trung được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động năm 2012, là nơi chứa rác của toàn huyện Quỳnh Lưu hiện nay.
Ngổn ngang rác thải ở bãi rác xã Ngọc Sơn
Đây là bãi chôn lấp có quy mô hơn 5ha, với 3 hố chứa rác, 2 hố chứa nước rỉ từ rác. Để quản lý, xử lý rác thải tại bãi rác này, UBND huyện Quỳnh Lưu đã hợp đồng với Công ty TNHH Thái Bình Nguyên. Nhà thầu này bên cạnh trách nhiệm quản lý, bảo quản toàn bộ cơ sở vật chất của bãi rác; nhận rác của các xã, thị trấn theo đúng chủng loại và trực tiếp hướng dẫn đổ rác vào hố chứa thì còn đảm nhận việc chôn lấp, lăn lu rác theo quy trình kỹ thuật.
Anh Đặng Quang T. – ở xóm 5 sống gần khu vực bãi rác, bức xúc cho biết: “Nhà chúng tôi cách bãi rác chừng 500-600m. Trời mưa còn đỡ, chứ nắng nóng mùi hôi thối càng bốc lên nồng nặc. Ruồi, muỗi từ bãi rác bay vào nhà dân nhiều không tưởng tượng nổi. Đến giờ ăn, ruồi bâu kín mâm cơm. Tối đến, muỗi bám quanh màn kín đen nhìn mà phát khiếp. 160 hộ dân sống ở đây vô cùng khốn khổ trước sự ô nhiễm trầm trọng của bãi rác này”.
Từng đàn bò vẫn vô tư vào ăn rác các loại bất chấp ô nhiễm.
Từ QL48B theo biển chỉ dẫn rẽ vào bãi rác chừng 3km, là con đường gồ ghề với ổ gà, ổ voi. Vừa mới đặt chân vào khu vực bãi rác, mùi hôi thối nồng nặc đã xộc thẳng vào mũi chúng tôi. Xung quanh bãi rác chỉ được rào bằng dây thép gai và cột bê tông tạm bợ, hệ thống đèn chiếu sáng chưa một lần được bật vì không có điện. Tại đây, lượng rác thải với đủ loại đã chất chồng lên cao, cạnh đó là hai hố chứa nước thải nước đen ngòm bốc mùi khó chịu, từng đàn bò đang được người dân nuôi chăn thả để tìm thức ăn mặc ô nhiễm.
Ruồi đậu kín yên xe máy khi PV vừa đặt chân đến bãi rác.
Anh Nguyễn Văn Đ., xóm 5 than thở: “Ruồi là nỗi ám ảnh lớn nhất của chúng tôi. Mùa này còn đỡ, vào dịp tháng 5 – 6, mỗi khi gió nồm lên, ruồi nhiều kinh khủng, mùi hôi ngộp thở. Nhiều nhà phải mắc màn để ăn cơm. Nhà nào cũng nghĩ cách để diệt ruồi nhưng diệt không xuể bởi quá nhiều”.
Ông Hồ Ngọc Thái – Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình Nguyên, là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý bãi rác nói về sự bất cập của dự án: “Lượng rác phát sinh gấp 40 – 50 lần so với dự tính ban đầu, dư lượng nước thải từ bãi xử lý rác cũng tăng, dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý nước thải không thể bảo đảm được".
Hố chứa nước thải đen ngòm và bị ô nhiễm trầm trọng.
Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên cũng như kết quả giám sát của HĐND tỉnh, mới đây, tại bãi xử lý rác thải này cho thấy, nhiều hạng mục xây dựng công trình chưa đảm bảo chất lượng, một số hạng mục chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Cùng với đó, quy mô thực hiện so với nhu cầu xử lý rác còn hạn chế. Mặc dù hồ sơ dự án chưa đầy đủ nhưng vẫn được giải ngân số tiền 20,555 tỷ đồng trên tổng số 22,409 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Văn Lập – Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: “Thực trạng người dân sống gần bãi rác bị ô nhiễm không khí, nguồn nước và ruồi muỗi nhiều là có thật, điều đó cũng khó tránh khỏi, vì bãi rác nào chẳng có mùi hôi thối. Vấn đề này người dân cũng đã phản ánh nhiều rồi, tuy nhiên việc xử lý ô nhiễm môi trường, cũng như đánh giá tác động của ô nhiễm đối với người dân xung quanh cần có cơ quan chức năng giải quyết”.
Mong rằng trong thời gian tìm giải pháp tốt nhất về vấn đề xử lý môi trường ở đây, các cơ quan chức năng nên quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn nữa công tác đổ rác cũng như xử lý rác thải để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương.