Cục THA Quảng Nam: Bản án đã có hiệu lực vì sao vẫn chưa thể thi hành?

Mạnh Cường| 17/09/2018 06:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bản án phúc thẩm có hiệu lực đã gần 2 năm nhưng ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1963, trú thôn Phước An, TT.Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn chưa nhận được những gì thuộc về mình. Ông Tâm đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng vụ việc vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo trình bày của ông Tâm, năm 1993 ông mua của bà Nguyễn Thị Hương một mảnh đất 150,7m2, đến năm 1998 ông được chính quyền địa phương cho đăng ký hợp pháp thửa đất số 45, tờ bản đồ số 12 với đối với diện tích đất này (thửa đất tọa lạc tại TT Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam).

Vào ngày 21/10/2010, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 358/TB-TNMT thay tên ông thành tên Nguyễn Đông Nhựt mà không thông báo cho ông biết. Ông đã khởi kiện ra Tòa án, qua hai cấp xét xử, ngày 16/3/2016 TAND cấp cao tại Đà Nẵng có bản án phúc thẩm số 24/2016/DS-PT tuyên xử: “Buộc ông Nhựt trả lại diện tích đất 118,8m2 đất, thuộc thửa số 45, tờ bản đồ số 12 tại TT Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam cho ông Nguyễn Văn Tâm… Hủy Thông báo số 358/TB-TNMT ngày 21/10/2010 của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam về việc thông báo đính chính tên ông Nguyễn Đông Nhựt thay tên ông Nguyễn Văn Tâm trong sổ mục kê và sổ địa chính TT.Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam. Ông Nguyễn Văn Tâm được quyền liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật…”.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Tâm nói: “Bản án đã có hiệu lực nhưng đến nay vụ việc của tôi vẫn chưa được giải quyết. Thời gian kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình tôi. Tôi nhiều lần gửi đơn cũng như trực tiếp hỏi các cơ quan có thẩm quyền nhưng câu trả lời luôn là đang chờ ý kiến, đang chờ công văn… Người dân lao động nghèo như tôi phải làm thuê làm mướn kiếm sống lấy đâu ra nhiều thời gian đi gõ cửa từng cơ quan để chờ câu trả lời. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, đưa lại công bằng cho tôi…”.

Câu hỏi đặt ra ở đây, vậy tại sao một bản án đã có hiệu lực gần 2 năm vẫn không thể thi hành và liệu vụ án này có thực sự… phức tạp để kéo dài việc thi hành án (THA) như hiện nay? Để tìm câu trả lời, PV đã tiến hành tìm hiểu, xác minh nội dung vụ việc.

Cục THA Quảng Nam: Bản án đã có hiệu lực vì sao vẫn chưa thể thi hành?

Phần diện tích đất Tòa án tuyên buộc ông Nhựt giao lại cho ông Tâm

Theo hồ sơ, tài liệu thể hiện, ngày 16/3/2016 bản án có hiệu lực (án phúc thẩm có hiệu lực kể từ khi tuyên án) và ngày 13/6/2016, Cục THADS tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 240/QĐ-CTHADS về việc thi hành bản án này. Quá trình THA, người bị THA không chấp hành nên ngày 5/9/2017 Cục THADS tỉnh Quảng Nam ra Quyết định cưỡng chế chuyển giao QSDĐ số 12/QĐ-CTHADS. Như vậy, căn cứ theo quy định của BLTTDS và Luật THADS thì Cục THADS tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định cưỡng chế THA là đúng quy định của pháp luật.

Ở đây, mặc dù có quyết định cưỡng chế nhưng Cục THADS tỉnh Quảng Nam lại bị “vướng” bởi chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang. Cụ thể, ngày 19/9/2017, HĐND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 65/TB-HĐND, trong đó nêu ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Quang: “Xét thấy việc tổ chức cưỡng chế THA theo Quyết định số 12/QĐ-CTHADS ngày 5/9/2017 có thể làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương do có nhiều ý kiến khác nhau của người dân và cán bộ. Do đó, đề nghị Cục THADS xem xét tạm hoãn tổ chức THA để chờ kết quả giải quyết vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm theo đơn kháng cáo của ông Nhựt…” và trên thực tế việc THA cũng đã tạm hoãn.

Điều đáng nói, tại Thông báo số 65/TB-HĐND chỉ trích ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã phát biểu trong một cuộc họp trước đó chứ không phải là thông báo yêu cầu do ông này ký. Tuy nhiên, HĐND tỉnh Quảng Nam lại “vin” vào đó để yêu cầu Cục THADS xem xét tạm hoãn tổ chức THA.

Nói về ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Ngọc Quang, bà Nguyễn Thi Hương, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án (đồng thời là chị của ông Tâm) bức xúc: “Tại sao việc tổ chức TH bản án có hiệu lực pháp luật lại có thể ảnh hưởng đến an toàn xã hội tại địa phương. Thực tế thì ông Tâm là người bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp và đã chọn việc khởi kiện ra tòa án là việc làm rất văn minh thì lý do gì “ảnh hưởng đến TTAT xã hội tại địa phương”? Không chỉ vậy, việc giải quyết của Tòa án là độc lập, vậy tại sao lại có “ý kiến khác nhau giữa người dân và cán bộ”, ý kiến khác nhau đó là gì mà chúng tôi không được biết. Vấn đề này cần phải được xem xét lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Tham khảo ý kiến của Luật sư (LS) về vấn đề này, LS cho rằng, việc Bí thư tỉnh ủy đề nghị tạm hoãn THA là một chỉ đạo trái BLTTDS, trái Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan. Điều 332 quy định “người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TA có quyền yêu cầu hoãn TH bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Điều 311 BLTTDS quy định: “Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao” và như vậy trong trường hợp này chỉ có Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền hoãn, hoặc tạm đình chỉ THA. Do đó, việc yêu cầu tạm hoãn THA của Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam là trái pháp luật.

Trao đổi với Cục THADS tỉnh Quảng Nam về vụ việc trên, ông Trịnh Minh Hùng- Phó Cục trưởng cho biết hiện nay vụ việc đang được tiếp tục giải quyết theo quy định. Ông Hoàng Minh Đông- Chấp hành viên được phân công giải quyết vụ việc trên cho hay, sở dĩ vụ việc đến nay chưa được THA là vì HĐND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 65/TB-HĐND. Bên cạnh đó, do nhận thấy tại bản án phúc thẩm còn một số tồn tại, vướng mắc cần phải kiến nghị nên ngày 11/7/2018 Cục THADS tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Chánh án TAND Tối cao về việc đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, tuy nhiên đến nay chưa nhận được văn bản trả lời. Bên cạnh đó, hiện nay Cục THADS tỉnh Quảng Nam đang chờ kết quả giải quyết khiếu nại của Tổng Cục THADS đối với đơn khiếu nại của ông Nhựt về quyết định cưỡng chế. Khi có ý kiến từ Chánh án TAND Tối cao “có xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hay không” và kết quả từ Tổng Cục THADS thì đơn vị sẽ thực hiện việc THA để đảm bảo quyền lợi cho đương sự.

Có thể thấy rằng bản án có hiệu lực từ tháng 3/2016 đến nay nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn “loay hoay” với những cái “vướng bất đắc dĩ” mà không có giải pháp căn cơ nào nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho ông Tâm, tránh tình trạng người dân có đơn khiếu kiện kéo dài đồng thời làm mất lòng tin của người dân đối với pháp luật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục THA Quảng Nam: Bản án đã có hiệu lực vì sao vẫn chưa thể thi hành?